(HNM) - Là huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa rất nhanh nhưng Thanh Trì vẫn còn hơn 3.300ha đất sản xuất với khoảng 8.400 hộ dân làm nông nghiệp. Khai thác tiềm năng này, huyện đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo thành vùng chuyên canh lớn mang lại hiệu quả rõ rệt.
Kiểm tra chất lượng cá nuôi tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì. Ảnh: Khánh Nguyên |
Là xã nằm hoàn toàn ngoài đê Sông Hồng, đất phù sa màu mỡ nhưng cách đây vài năm xã Vạn Phúc chỉ trồng toàn ngô, khoai, hiệu quả kinh tế thấp. Khoảng 3 năm trở lại đây, hơn 100ha đất bãi của xã đã chuyển mình mạnh mẽ, khoác lên mình tấm "áo mới" với bạt ngàn cây ăn quả: bưởi, cam, nhãn, ổi. Ông Nguyễn Văn Giang, hộ dân trồng cam và quất cảnh ở xã cho biết, với 4 mẫu ruộng, mỗi năm ông thu về khoảng 8 tấn cam và khoảng 1.000 cây quất.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Vạn Phúc Đinh Quang Minh, phong trào "bùng lên" từ khi xã hoàn thành dồn điền, đổi thửa. Nếu như cách đây khoảng 3 năm, đất sản xuất nông nghiệp của Vạn Phúc còn rất manh mún, nhỏ lẻ, mỗi hộ gia đình "sở hữu" 5-7 thửa (có thửa chỉ 40m2) thì đến nay xã Vạn Phúc đã dồn được hơn 149ha đất nông nghiệp. Số hộ chỉ còn một thửa chiếm 54%, số hộ 2 thửa chiếm 41%... Có diện tích lớn, các hộ đồng loạt chuyển sang trồng cây ăn quả với 101ha tập trung, giá trị thu nhập/ha canh tác trung bình đạt trên 300 triệu đồng, người dân rất phấn khởi.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh, huyện Thanh Trì đã duy trì và phát triển các vùng sản xuất tập trung, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cao. Trong 5 năm gần đây, huyện bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất hơn 23,6 tỷ đồng và hỗ trợ đầu tư 92 máy cơ giới hóa trong sản xuất, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100% diện tích; khâu thu hoạch đạt 35% diện tích. Để hỗ trợ chăn nuôi phát triển, huyện chủ động đề xuất thành phố huy động xã hội hóa đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Vạn Phúc. Cơ sở hoạt động ổn định với công suất giết mổ trung bình 1.500 con lợn/ngày, vừa góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vừa kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý giết mổ. Nhờ vậy, Thanh Trì được đánh giá là huyện đầu tiên của thành phố xóa bỏ được các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Đến nay, Thanh Trì đã mở rộng được nhiều vùng chuyên canh như: Vùng trồng cây ăn quả tập trung ở các xã Vạn Phúc, Yên Mỹ; vùng lúa tập trung ở các xã Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng; rau an toàn ở các xã Yên Mỹ, Duyên Hà. Đặc biệt, với cây rau, toàn huyện có trên 1.759ha/năm, trong đó diện tích rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn đạt trên 140ha, tăng 105ha so với năm 2010. Đối với chăn nuôi, một số khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư được hình thành như khu vực thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai có diện tích 6,84ha với 33 hộ tham gia chăn nuôi vịt đẻ trứng; 850ha nuôi trồng thủy sản tập trung ở các xã Đông Mỹ, Tứ Hiệp, Tam Hiệp, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Tả Thanh Oai, năng suất bình quân đạt trên 8 tấn/năm.
Những kết quả đạt được trong phát triển sản xuất nông nghiệp đã góp phần tác động vào các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện Thanh Trì đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 100% số xã. Trong đó, nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu kinh tế địa phương nhưng đã trở thành một trong những "điểm sáng", mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.