(HNM) - Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng, huyện Thanh Oai là điểm sáng sau chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Không những giúp xã viên nắm bắt kỹ thuật canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, hợp tác xã còn năng động trong tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Giới thiệu sản phẩm gạo thơm Bối Khê. |
Ông Đỗ Văn Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng cho biết: Với 730ha đất canh tác, xã Tam Hưng có diện tích đất nông nghiệp nhiều nhất huyện Thanh Oai. Thực hiện chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, xã Tam Hưng đã gieo trồng các giống lúa có năng suất, giá trị kinh tế cao như: Bắc thơm số 7, nếp cái hoa vàng. Đến nay, trên địa bàn xã, diện tích gieo cấy lúa hàng hóa chiếm 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; năng suất lúa đạt 12 tấn/ha/năm, thu nhập đạt từ 80 đến 85 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn từ 20 đến 25% so với gieo trồng giống lúa thường.
Để giúp nông dân nắm bắt kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng đã phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông và Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thanh Oai mở các lớp tập huấn trồng lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa nếp cái hoa vàng... Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng cũng tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và hướng dẫn nông dân gieo trồng lúa theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Đến nay, sản phẩm gạo của xã Tam Hưng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) công nhận nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê”.
Bên cạnh xây dựng thương hiệu lúa hàng hóa, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng đầu tư 2,6 tỷ đồng đưa cơ giới hóa vào sản xuất; tích cực tham gia hội chợ, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ lúa, gạo cho nông dân... Ông Nguyễn Văn Hợp, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng cho biết, thời gian qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng đã làm tốt các khâu dịch vụ như: Tưới, tiêu, bảo vệ thực vật, làm đất, giống, vật tư nông nghiệp..., từ đó giúp nông dân sản xuất, thu hoạch đúng thời vụ, giảm chi phí sản xuất từ 1,2 đến 1,7 triệu đồng/ha/vụ và giảm tổn thất sau thu hoạch...
Tuy vậy, trong hoạt động sản xuất, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng cũng gặp một số khó khăn về vốn đầu tư; nơi làm việc của hợp tác xã chưa ổn định; sản phẩm hàng hóa sản xuất ra vẫn khó tiêu thụ, giá cả thấp nên không khuyến khích được xã viên mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp...
Ông Đỗ Văn Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng cho biết: Để hoạt động hiệu quả, thời gian tới, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hàng hóa, liên kết với một số doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; đầu tư máy móc trang thiết bị chế biến bảo quản sau thu hoạch… Ngoài ra, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng mong sở, ngành liên quan tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho các hợp tác xã xây dựng trụ sở làm việc, nhà kho, nhà xưởng, khu chế biến sản phẩm đủ điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh các loại hình dịch vụ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.