(HNMO) - Sau hơn 2 giờ làm việc, Hội đồng xác đinh tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015 thống nhất ngưỡng điểm 15 cho tất cả các tổ hợp.
Trao đổi với báo giới ngay sau khi buổi làm việc kết thúc, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 có 726.693 thí sinh dự thi tại cụm do ĐH chủ trì sẽ sử dụng kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học khoảng 400.000. Trong đó, có khoảng 350.000 chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển và khoảng 50.000 chỉ tiêu dành cho các trường có phương án tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng kết quả học tập ở THPT.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. |
Về số tổ hợp xét tuyển, ngoài 5 khối truyền thống A, A1, B, C, D. các trường đề ra nhiều tổ hợp. Bộ thống kê có khoảng 15 tổ hợp chung nhất. Như vậy, trên cơ sở các chỉ tiêu tuyển sinh, kết quả đạt được của thí sinh, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật để bớt thí sinh ảo, giúp mỗi thí sinh dự thi có thể được xét tuyển cùng một lúc nhiều tổ hợp khác nhau.
Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, Bộ GD-ĐT quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học năm 2015 là 15,0 điểm đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi (không nhân hệ số môn chính). Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao đẳng là 12,0 điểm đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi (không nhân hệ số môn chính).
Với mức điểm này, có 531.182 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15,0 điểm. So với chỉ tiêu tuyển sinh đại học, số thí sinh này nhiều gấp 1,52 lần. Với mức ngưỡng tối thiểu này còn khoảng 27% thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ không đạt ngưỡng để xét tuyển vào các trường đại học.
"Mọi năm có 5 tổ hợp truyền thống với 5 mức điểm sàn. Năm nay có nhiều tổ hợp nhưng chỉ có 1 ngưỡng điểm duy nhất. Điều này sẽ giúp thí sinh dễ nhớ, các trường thuận lợi trong xây dựng phương án của mình cho phù hợp. Hội đồng xác đinh tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015 xem đây là cải tiến quan trọng trong tuyển sinh ĐH, CĐ" - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.
Sau khi công bố ngưỡng, từ ngày 1/8, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển. Các trường tuỳ theo năng lực có thể công bố ngưỡng điểm từ 15, 17, 20... để thí sinh biết nộp hồ sơ cho phù hơp.
Việc công bố kết quả thống kê kết quả nộp hồ sơ của từng trường được Bộ đưa vào quy chế. Trường nào không thực hiện sẽ bị xử lý.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các trường năm nay không sợ thiếu nguồn tuyển. Hội đồng xác đinh tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015 đã thống kê hết các tổ hợp truyền thống và tổ hợp mới cho thấy thí sinh đạt trên ngưỡng15 rất cao. Các em thi nhiều tổ hợp khác nhau, rất nhiều em trên ngưỡng này nên không quá lo lắng về nguồn tuyển. Đó là ngưỡng trung gian của tất cả các tổ hợp. Quá nhiều ngưỡng sẽ gây rối không cần thiết.
Trước đó, như đã đưa tin, chiều nay (28/7), tại trụ sở Bộ GD-ĐT, Hội đồng xác định ngưỡng xét tuyển đầu sẽ làm việc để tư vấn cho Bộ trưởng quyết định mức điểm tối thiểu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Mức điểm "đầu vào" này được tính toán căn cứ vào phổ điểm, phân bố theo vùng, địa phương, đảm bảo việc tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ.
Theo nhận định ban đầu, do tính chất của đề thi năm nay 60% là kiến thức cơ bản, kết quả thi của các thí sinh cao hơn năm ngoái. Do đó, Hội đồng xét ngưỡng đầu vào sẽ phải xét ngưỡng điểm phù hợp và đơn giản nhất để các trường có thể áp dụng cho tất cả các tổ hợp xét tuyển.
Ngưỡng điểm được tính bằng tổng điểm 3 môn của 5 khối thi A, A1, B, C, D. Với các trường xét tuyển bằng các tổ hợp mới, Hội đồng sẽ đưa ra nguyên tắc chung để thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.