Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Điểm nổ” nguy hiểm

Thùy Dương| 21/04/2010 07:24

(HNM) - Đầu tuần này, thế giới lại dấy lên lo ngại khi có tin Lầu Năm Góc và Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ

Nhà máy sản xuất nhiên liệu hạt nhân ở Natanz, một trong những cơ sở nằm trong tầm ngắm của không lực Mỹ.


Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ lần đầu tiên nhận định rằng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ là "bước tiến xa" trong việc trì hoãn chương trình làm giàu uranium của nước này. Những thông tin trên được tung ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Iran Mahmoud Ahmedinejad có lời lẽ thách thức Mỹ: "Quân đội Iran ngày nay hùng mạnh đến nỗi không kẻ thù nào dám có ý nghĩ điên rồ xâm lược lãnh thổ Iran". Mối quan ngại với Mỹ càng tăng khi Tổng thống Amadinejad vừa phê duyệt các địa điểm mới xây dựng 10 nhà máy làm giàu urani...

Đây không phải là lần đầu tiên người ta lo ngại Mỹ sẽ tấn công quân sự Iran vì đòn phủ đầu từ lâu đã là một lựa chọn chiến lược của Mỹ. Khả năng này càng được củng cố khi gần đây, những cuộc đàm phán về uranium giữa Iran với các nước liên tục đổ vỡ. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) lại công bố báo cáo mới nhất cho thấy, Iran đang phát triển một đầu đạn hạt nhân dùng cho tên lửa. Theo IAEA, Iran đã làm giàu uranium ở cấp độ cao hơn và đã có thể chế tạo vũ khí nguyên tử. Thế nhưng, nỗi sốt ruột của Mỹ về một lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran đã gặp trở ngại khi hai thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ là Trung Quốc và Nga luôn theo đuổi một giải pháp ngoại giao.

Bế tắc trong thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới, Mỹ xem ra đang để ngỏ một giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng hạt nhân này. Tổng thống B.Obama từng cảnh báo, Washington không loại trừ bất cứ lựa chọn nào, kể cả biện pháp quân sự, để đối phó với chương trình hạt nhân của Iran. Vì thế, các tin tức về Lầu Năm Góc đang chuyển hàng trăm quả bom chuyên phá công sự ngầm đến Diego Garcia, lãnh thổ của Anh ở Ấn Độ Dương khiến thế giới quan ngại.

Trong số bom được chuyển có "siêu bom" MOP nặng 15 tấn có khả năng chui qua vách bê tông dày 6m trước khi phát nổ. Thông tin về cuộc vận chuyển bom đến đảo Diego Garcia phát đi một tín hiệu Mỹ đang chuẩn bị một cuộc tấn công bất ngờ và rất có thể Iran là mục tiêu.

Với Mỹ và phương Tây, việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến sự phổ biến hạt nhân trong toàn khu vực Trung Đông; đồng thời làm suy yếu Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới. Bên cạnh đó, một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ khó kiềm chế gấp bội và đe dọa vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Trung Đông.

Trong khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục gia tăng, các chuyên gia tình báo và chống khủng bố của Mỹ cảnh báo rằng hành động quân sự chống lại chương trình hạt nhân của Iran có thể sẽ châm ngòi cho các hành động khủng bố. Họ cũng tin rằng Iran sẽ đáp trả cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân bằng các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen - người được cho là ủng hộ chiến lược đánh đòn phủ đầu cũng cảnh báo, một cuộc tấn công như vậy sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho khu vực và toàn thế giới; đồng thời sẽ là một gánh nặng quá sức với Mỹ. Hai cuộc chiến dang dở ở Iraq và Afghanistan đang đè nặng lên nước Mỹ. Trong bối cảnh tương quan lực lượng trên thế giới đang chuyển dịch sâu sắc thì một cuộc không kích Iran như Lầu Năm Góc và Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ đang cập nhật quả là nguy hiểm với Mỹ thời hậu khủng hoảng kinh tế.

Bất kỳ nhà lãnh đạo Mỹ nào cũng sẽ phải cân nhắc thận trọng trước khi hạ bút ký vào một kế hoạch như vậy. Cuối cùng, dù bằng con đường ngoại giao hay quân sự thì cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran cũng đang bị đẩy đến "điểm nổ" nguy hiểm. Nó không chỉ khiến Washington đau đầu, mà còn làm cả thế giới lo ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Điểm nổ” nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.