(HNM) - Các huyện Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai... hiện có hơn 50.000ha đất đồi gò, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Trong quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp, việc đầu tư khoa học kỹ thuật, chọn giống cây trồng phù hợp nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên vùng đất khô cằn này là một định hướng khả quan cho nông nghiệp Thủ đô.
Hiệu quả bước đầu
Nhiều vùng đất thịt nặng, đất lẫn sỏi đá ở Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây, Sóc Sơn, Ba Vì... trước đây chỉ trồng sắn, khoai giá trị thu nhập chỉ đạt từ 18-20 triệu đồng/ha/năm. Nhưng khi được đầu tư cải tạo, nâng cấp và chọn được loại cây phù hợp thì giá trị sản xuất lại cao hơn rất nhiều so với diện tích đất nông nghiệp vẫn được coi là "bờ xôi ruộng mật" chuyên canh lúa. Thực tế nhiều mảnh đất đồi gò đã cho thu nhập 120-200 triệu đồng/ha, trong khi cấy lúa cao nhất cũng chỉ được 50 triệu đồng/ha.
Xã Yên Trung mới sáp nhập về huyện Thạch Thất (Hà Nội), có địa hình trũng xen lẫn đồi gò, trời chớm mưa là đồng trũng bị ngập úng, còn vùng đồi gò đất như rang mỗi khi trời nắng. Đất nơi đây là đất bột, ngoài 2 vụ lúa, người dân trồng một vụ màu với các cây chính như: khoai, lạc, sắn. Do không chủ động được nguồn nước nên thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp, trung bình khoảng 3 triệu đồng/sào/năm (chưa trừ chi phí). Năm 2009, Phòng NN&PTNT huyện Thạch Thất đã hỗ trợ nông dân một phần về giống, vật tư nhằm mở rộng diện tích, đưa cây chuối tiêu hồng trên đồng đất Yên Trung lên hơn 10ha. Cây chuối tiêu hồng rất dễ trồng, phù hợp với vùng đất đồi gò, được thị trường ưa chuộng nhất là trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán, trừ chi phí giống, phân bón, lãi hơn 100 triệu đồng/ha.
Đối với vùng đất đồi của huyện Chương Mỹ như xã Thủy Xuân Tiên, Hữu Văn, Trần Phú, thị trấn Xuân Mai, bà con cũng đã "bỏ qua" các cây trồng kém giá trị như khoai, sắn để trồng các loại cây ăn quả giá trị cao như bưởi Diễn, cam Canh, nhãn chín muộn... Có trang trại ở Xuân Mai đã trồng hàng chục hécta bưởi Diễn, sau gần chục năm cải tạo, cây đã cho thu nhập khoảng 500-600 triệu đồng/ha/năm.
Tiềm năng chưa được đánh thức
GS-TS Lê Doãn Diên, Đại học Thành Tây nhận định, tiềm năng đất đai vùng đồi gò, bán sơn địa của Hà Nội còn rất lớn, bởi mới có 5% diện tích được sử dụng hiệu quả, còn lại là để hoang hóa và trồng các loại cây giá trị thấp như sắn, khoai, lạc. Bản chất loại đất này không màu mỡ nhưng nếu chọn được giống cây phù hợp với tập quán canh tác, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, đây sẽ là "thủ phủ" của các trang trại cây ăn quả lớn, cho giá trị kinh tế cao. Trong khi khả năng tích tụ ruộng đất ở các huyện ven đô còn hạn chế thì ở các xã bán sơn địa, đồi gò, nông dân đã tích tụ được ruộng đất khá lớn. Nếu Hà Nội làm tốt công tác quy hoạch, đây sẽ là vùng đất nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu rau, hoa, quả sạch cho Thủ đô và các vùng lân cận. Mô hình hiệu quả nhất là phát triển trang trại đa canh, vừa chăn nuôi vừa trồng một loại cây chủ lực. Chất thải từ chăn nuôi sẽ được xử lý để phục vụ trồng trọt, tránh sử dụng các loại phân hóa học, giảm chi phí sản xuất.
Ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng NN&PTNT Thạch Thất cho biết, mặc dù một số diện tích đất đồi gò đã phát huy hiệu quả, nhưng thực tế, việc chuyển đổi cây trồng trên đất đồi gò còn gặp rất nhiều khó khăn như đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh. Do người nông dân phải tự tiêu thụ sản phẩm, hạ tầng giao thông lại yếu kém, không thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa nên thường bị tư thương ép giá. Vùng đất đồi gò muốn thâm canh giá trị cao đòi hỏi đầu tư lớn mà vốn của nông dân hạn hẹp, ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn, chưa đến kỳ thu hoạch đã phải trả. Anh Nguyễn Văn Hạ ở thị trấn Xuân Mai cho biết, để trồng được 1ha bưởi Diễn phải có ít nhất 1 trăm triệu đồng mua giống, vật tư, cải tạo đất... Chưa kể, một bộ phận nông dân mua phải giống rởm, không rõ nguồn gốc đã gặp không ít rủi ro.
Để vùng đất đồi gò phát triển bền vững rất cần có sự liên kết chặt chẽ "4 nhà" (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân). Doanh nghiệp đứng ra cung ứng cây giống chất lượng cao, bao tiêu một phần sản phẩm khi thu hoạch, cơ quan chức năng làm tốt công tác quy hoạch, tránh tình trạng cả vùng đổ xô đi trồng một loại cây dẫn tới được mùa mất giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.