Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm hẹn văn hóa truyền thống

Lê Thư| 02/04/2014 07:29

(HNM) - Giỗ tổ Hùng vương - Lễ hội đền Hùng năm 2014 diễn ra từ ngày 5 đến 9-4 (tức mùng 6 đến 10-3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử đền Hùng và nhiều di tích thờ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Đến nay, công tác chuẩn bị lễ hội đã hoàn tất.


Để lễ hội diễn ra trong không gian trang trọng, linh thiêng, việc nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng Khu di tích lịch sử đền Hùng được tỉnh Phú Thọ và các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Năm nay, BQL Khu di tích lịch sử đền Hùng tiến hành sửa chữa các bức phù điêu, làm mới hệ thống bậc đá lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, hoàn thành quy hoạch tổng thể bãi đỗ xe giai đoạn 2, hoàn thiện hệ thống điện nước... Bên cạnh đó, BQL Khu di tích đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân tham gia lễ hội chuẩn bị vật dụng, phương tiện cần thiết để thu gom, tập kết rác thải tại nhiều địa điểm, tuyến đường trong khu vực diễn ra lễ hội, chủ động ứng phó với các sự cố về môi trường có thể xảy ra…

Tái hiện nghi lễ dâng bánh chưng, bánh dày tại lễ hội đền Hùng.


Nhằm thúc đẩy việc thực hiện nếp sống văn minh, BQL Khu di tích đã quy hoạch lại hệ thống hàng quán, dịch vụ, yêu cầu các cơ sở kinh doanh niêm yết giá công khai, nghiêm cấm đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch. Những tấm biển nhắc nhở người trẩy hội mặc trang phục gọn gàng, lịch sự, không vứt rác bừa bãi, đặt tiền lễ đúng nơi quy định được lắp đặt dọc đường vào khu trung tâm lễ hội. Tất cả các điểm tiếp nhận công đức đều có biển báo nội dung tiếp nhận công đức, có ghi số điện thoại của những người có trách nhiệm để kịp thời tiếp thu ý kiến phản hồi của du khách. Hệ thống loa truyền thanh được lắp đặt ở nhiều nơi nhằm góp phần tuyên truyền giá trị, ý nghĩa của di tích, kêu gọi người dân thực hiện nếp sống văn minh công cộng...

Cùng với công tác tuyên truyền, Công an tỉnh Phú Thọ đã thành lập 2 đội kiểm tra liên ngành nhằm giúp BTC duy trì việc thực hiện nội quy, quy chế tổ chức lễ hội, tổ chức phân luồng, tuyến giao thông phục vụ nhân dân về dự lễ hội... Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ đã hoàn thiện kịch bản chi tiết tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao trong thời gian diễn ra lễ hội, đồng thời thành lập 2 đội kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra, xử lý sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa. "Điểm mới trong lễ hội đền Hùng năm nay là các địa phương có di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đồng loạt dâng hương cùng thời gian diễn ra lễ dâng hương tại đền Hùng. Các làng, địa phương tham gia rước kiệu về đền Hùng được tạo điều kiện tối đa, được hỗ trợ một phần kinh phí". Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ cho biết.

Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể

Ngoài các nghi thức truyền thống như lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng (5-3 âm lịch), giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân (ngày 6-3 âm lịch); dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ (6-3), lễ rước kiệu của các xã vùng ven về đền Hùng (8-3), lễ Giỗ tổ Hùng Vương (10-3), Lễ hội đền Hùng năm 2014 còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị các di sản phi vật thể đã được UNESCO vinh danh. Theo đó, sức sống mãnh liệt, trường tồn của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ được khẳng định qua triển lãm "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Cội nguồn Tổ" gồm hàng trăm bức ảnh giới thiệu về Lễ hội đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Không gian trưng bày hiện vật được tổ chức tại Bảo tàng Hùng Vương và hội trại văn hóa của 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Ngoài ra, trong những ngày lễ hội, các đào xoan sẽ biểu diễn những làn điệu xoan đặc sắc ở nhiều địa điểm trong Khu di tích lịch sử đền Hùng và các làng xoan gốc nhằm giúp du khách hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa của Di sản Hát xoan - tương truyền có từ thời Hùng Vương. Để các di sản cùng tỏa sáng, tỉnh Vĩnh Long sẽ mang "tân di sản thế giới" Đờn ca tài tử ra góp vui, Bắc Ninh đưa Quan họ về hội tụ, Quảng Bình "khoe" điệu hò đặc trưng… "Lần đầu tiên, di sản văn hóa phi vật thể ba miền hội tụ tại lễ hội đền Hùng, giúp đồng bào, kiều bào và du khách thấy được những nét đặc biệt trong kho tàng di sản phong phú của Việt Nam, qua đó khơi dậy tình yêu, ý thức trách nhiệm bảo tồn di sản trong cộng đồng. Đối với tỉnh Phú Thọ, sau khi Hát xoan được vinh danh, tỉnh đã có nhiều giải pháp bảo tồn di sản này trước nguy cơ mai một. Dự kiến đến năm 2015, Hát xoan Phú Thọ sẽ thoát khỏi tình trạng "cần được bảo vệ khẩn cấp", trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phú Thọ cùng với các địa phương khác đã và đang xây dựng nghi thức tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thống nhất trong toàn quốc". - Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng BTC Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2014 khẳng định.

Với sự chuẩn bị chu đáo, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2014 hứa hẹn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách thập phương, đồng thời góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy giá trị "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm hẹn văn hóa truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.