(HNM) - Ngày 6-8, các trường đã hoàn thành việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 đợt 1, làm căn cứ để thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học.
Tuy nhiên, điều này không làm ảnh hưởng đến công tác xét tuyển của các trường; mối lo về hiện tượng trượt oan do những bất hợp lý về việc cộng điểm ưu tiên khu vực tạm thời được giải tỏa.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Lê Quân/Zing |
So với năm 2017, năm nay các trường khối công an và quân đội có mức điểm chuẩn giảm mạnh nhất, trung bình từ 3,0 đến 5,0 điểm, cá biệt có ngành giảm gần 9,0 điểm. Điển hình là Học viện Quân y, khối A00 (dành cho thí sinh nam ở miền Bắc) năm nay có điểm chuẩn là 20,05 điểm, trong khi năm 2017 là 29,0 điểm. Xếp sau khối trường công an và quân đội, khối trường y thường có điểm chuẩn rất cao, năm nay cũng giảm khá mạnh. Năm 2017, ngành Y đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội có mức điểm chuẩn đứng đầu khối y - dược của cả nước với 29,25 điểm, năm nay giảm còn 24,75 điểm.
Lý giải về mức điểm chuẩn giảm, PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Đào tạo đại học (Trường Đại học Y Hà Nội) nhận định: Một phần do điểm chuẩn khối B (toán, hóa học, sinh học) năm nay thấp hơn so với năm trước, phần còn lại do quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh giảm mức điểm ưu tiên giữa các khu vực chỉ còn 1/2 so với năm trước. Nếu như năm trước, thí sinh ở khu vực 1 được hưởng mức điểm ưu tiên là 1,5 điểm, thì năm nay chỉ còn 0,75 điểm; khu vực 2 giảm từ 1,0 điểm xuống 0,5 điểm, khu vực 2 nông thôn từ 0,5 điểm xuống 0,25 điểm. Việc giảm mức điểm ưu tiên năm nay là phù hợp bởi khoảng cách về điều kiện sống giữa các địa bàn đã được thu hẹp, đồng thời cũng tạo điều kiện để các trường nâng cao chất lượng “đầu vào”.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), so với năm 2017, mặc dù điểm thi các môn thấp hơn, song điểm thi năm nay có tính phân hóa tốt hơn, phổ điểm tiệm cận đến phân phối chuẩn; điểm trung bình của các môn nằm trong khoảng từ 5,0 đến 6,0 điểm và càng lên cao, tính phân loại càng mạnh, vì vậy nên công tác xét tuyển đại học có nhiều thuận lợi. Thêm vào đó, việc giảm mức điểm ưu tiên khu vực cũng khiến cho các trường và dư luận có sự nhìn nhận rõ hơn về mức độ chất lượng “đầu vào” đại học, từ đó có các giải pháp cải thiện chất lượng đào tạo.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì nhóm xét tuyển gồm 55 trường đại học, cao đẳng khu vực phía Bắc năm nay cũng có cùng nhận định trên về nguyên nhân giảm điểm chuẩn của các trường và thông tin: Về cơ bản, công tác tuyển sinh của các trường đều thuận lợi, thí sinh không phải quá lo lắng và bị rối về việc các trường sử dụng nhiều tiêu chí phụ như năm trước.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 7 đến trước 17h ngày 12-8, các thí sinh có tên trong danh sách trúng tuyển phải xác nhận nhập học đợt 1. Đây là thủ tục bắt buộc trong việc đăng ký xét tuyển đối với các thí sinh. Dựa vào dữ liệu này, các nhà trường tổng hợp và quyết định việc có tổ chức tuyển sinh đợt 2 hay không. Từ ngày 15-8, nếu còn thiếu chỉ tiêu, các trường sẽ tổ chức xét tuyển đợt 2. Thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 cần bám sát các thông tin về việc xét tuyển bổ sung trên website của các trường và chỉ được tham gia xét tuyển khi chưa đăng ký xác nhận nhập học trong đợt 1 ở bất kỳ trường nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.