Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ gia sư SV: Hiệu quả phụ thuộc nhiều yếu tố

Khánh Vũ| 17/04/2012 06:46

(HNM) - Trong khi các "lò" luyện thi đang có xu hướng thoái trào, dịch vụ gia sư ngày càng được nhiều người quan tâm bởi tính hiệu quả của hình thức luyện thi này. Tuy nhiên, không phải thí sinh và phụ huynh nào cũng biết cách vận dụng tốt ưu điểm của một dịch vụ hữu ích.

Sự lựa chọn an toàn

Sự vắng vẻ ở các trung tâm luyện thi gần các trường ĐH Bách khoa, Sư phạm Hà Nội, đường Nguyễn Trãi... phần nhiều là do chưa tới "chính vụ" luyện thi, học sinh các trường còn chưa thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, sự thưa vắng còn bởi một lý do quan trọng, là các "lò luyện" đã mất đi sức hút trước các hình thức luyện thi khác, trong đó có dịch vụ gia sư.

Thành công của dịch vụ gia sư sinh viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Có không ít người, như chị Nguyễn Bảo Vân, có con đang học lớp 12 tại Trường THPT Phạm Hồng Thái đã cân nhắc: "Nội dung đề thi những năm gần đây khá ổn định, điều quan trọng nhất vẫn là ở chỗ con mình có nắm chắc kiến thức hay không. Đi học ở các trung tâm luyện thi thì mất thời gian, công sức di chuyển mà bố mẹ lại khó kiểm soát con". Ngoài ra, năm nay, nhiều phụ huynh cho biết, việc thay đổi giờ học với học sinh THPT muộn hơn 1 tiếng cũng khiến họ khó bố trí giờ học thêm cho con mình ở ngoài vào buổi tối. Vì vậy, nhiều người đã chọn cách tìm gia sư cho con bởi cách học này giúp họ có thể chủ động về thời gian, tránh được nhiều rủi ro, lại không lo chuyện con luyện thi… trong cửa hàng internet.

Tuy nhiên, tìm được người dạy tốt không phải chuyện đơn giản khi những trung tâm gia sư mọc lên như nấm cùng những lời quảng cáo "có cánh". Nhiều trung tâm cố tình mạo danh những "thương hiệu" uy tín để "làm hàng". Ngay đầu mùa thi, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã phải ngăn chặn các hoạt động gia sư "mượn" danh nghĩa của nhà trường bằng thông báo: Ban Giám hiệu, Đoàn Thanh niên, các phòng, ban, khoa và các đơn vị trực thuộc trường không tổ chức bất cứ hoạt động nào liên quan đến công việc gia sư. Nhà trường nghiêm cấm bất cứ một cán bộ, học viên sau đại học, sinh viên nào của trường và các cá nhân khác được phép đứng trên danh nghĩa và lợi dụng uy tín của trường để tổ chức các hoạt động gia sư. Lãnh đạo nhà trường khẳng định, mọi vi phạm về logo biểu trưng của trường, tên gọi của trường (ĐH Sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội I, ĐH Sư phạm I), kể cả tên viết tắt (ĐHSP, ĐHSPHN, ĐHSPHN I, ĐHSP I) hoặc tên miền trang web, địa chỉ email có đuôi là dhsphn.edu.vn, hnue.edu.vn... đều là vi phạm bản quyền. Phó Hiệu trưởng Kiều Thế Hưng đề nghị: Thí sinh và phụ huynh khi sử dụng các dịch vụ này cần tìm hiểu kỹ để phân biệt rõ cơ sở giả mạo với trung tâm bồi dưỡng kiến thức của trường đóng tại trụ sở ĐH Sư phạm Hà Nội.

Để tìm được các SV gia sư đúng nghĩa, theo Phạm Hằng Nga, SV năm thứ tư Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ngoài sự giới thiệu của các trung tâm có uy tín, nếu có thể thì phụ huynh nên theo lời giới thiệu của những gia đình đã từng nhờ gia sư, xem kết quả học tập của học sinh ra sao. Nhiều người hay đánh giá SV qua bảng điểm của họ, song nếu SV có bảng điểm "đẹp" mà khả năng truyền đạt kém thì cũng khó trở thành một gia sư tốt.

Muôn kiểu học trò

Với kinh nghiệm dạy kèm hơn 3 năm, Phạm Hằng Nga thẳng thắn nói về những bất lợi trong việc học kèm với SV so với luyện thi tại các trung tâm. SV làm gia sư thường có kiến thức rất tốt song lại ít kinh nghiệm luyện thi, đặc biệt là khả năng tổng hợp kiến thức còn hạn chế so với các giáo viên lão luyện tại các trung tâm. Ngoài ra, SV đi dạy thường không đầu tư nhiều cho bài giảng, động cơ phấn đấu để nâng cao "thương hiệu" cá nhân cũng không mạnh mẽ bằng các giáo viên chuyên luyện thi.

Điều đáng nói là sau khi tìm được gia sư, việc dạy và học có hiệu quả hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Thí sinh hiện nay bị chi phối rất nhiều bởi chuyện gia đình, bạn bè, đặc biệt là những cảm xúc của tuổi mới lớn, nên các em học không tập trung. Có những em xác định gia sư là người để dựa dẫm, lệ thuộc quá nhiều vào gia sư và thường không tự giác ôn bài. Cũng rất ít học sinh biết tự tìm tòi, đào sâu kiến thức. Một tâm lý rất phổ biến của học sinh khiến nhiều gia sư phải ngao ngán, đó là tư tưởng trông chờ vào bạn bè, vào "phao" hoặc làm bài được đến đâu thì làm... Tuy nhiên, kiểu học trò mà gia sư "sợ" nhất là các học sinh chỉ học theo ý cha mẹ, hoặc như một điều kiện đánh đổi phần thưởng. Các em này không tập trung học nên hiệu quả rất thấp, chỉ bằng 1/10 so với học sinh có cùng khả năng tư duy.

Về những học sinh mà gia sư thích dạy nhất, Nguyễn Khôi Nguyên, SV năm thứ ba, Trường ĐH Giao thông - Vận tải cho biết: Học sinh đó không cần phải giỏi hay có năng lực đặc biệt gì. Chúng em có hứng thú khi dạy những học sinh đang rất cần mình. Thường thì đó là các em bị hổng kiến thức và có ý thức lấp lỗ hổng đó. Các em này sẽ tiến bộ rất nhanh và ngày càng có hứng thú học tập.

Trong quá trình luyện thi cho học sinh, nhiều gia sư đúc kết: Áp lực học tập đối với thí sinh hiện nay là khá nặng nề. Các em ôn thi ĐH trong một thời gian khá dài, lượng bài tập rất lớn trong khi vẫn phải ôn tập các môn thi tốt nghiệp. Việc học thêm nhiều nơi cũng khiến học sinh không có thời gian ôn luyện kiến thức đã học trong ngày. Ngoài ra, việc động viên của gia đình đối với thí sinh là rất quan trọng. Những học sinh không bị bố mẹ tạo áp lực quá nặng nề hay mắng mỏ thường xuyên thì sẽ ôn thi hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ gia sư SV: Hiệu quả phụ thuộc nhiều yếu tố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.