(HNM) - Được lắp đặt và đi vào hoạt động từ năm 1997, các trạm điện thoại công cộng đã đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân trong những thời điểm nhất định. Thế nhưng, đến nay, loại hình dịch vụ này đang
Một trạm điện thoại công cộng tại phố Giang Văn Minh lâu ngày không có người sử dụng. |
Điện thoại thẻ hay còn gọi là cardphone có mặt tại nước ta vào cuối năm 1997 do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) quản lý. Vào những năm 2002-2006, điện thoại thẻ là dịch vụ được khách hàng ưa chuộng, đáp ứng nhu cầu liên lạc của người dân. Thời điểm cao nhất, VNPT đã có khoảng 15.000 trạm điện thoại công cộng (ĐTCC) trên hầu khắp các tỉnh, thành phố của cả nước. Trong những năm gần đây, khi điện thoại di động đã phổ biến, giá cước liên tục giảm với nhiều chương trình khuyến mãi ưu đãi, trong khi điện thoại thẻ không được cải thiện về dịch vụ, cước phí, cộng với việc hỏng hóc, trục trặc kỹ thuật của các trạm ĐTCC, nên ngày càng ít người sử dụng dịch vụ điện thoại thẻ. Hơn nữa, việc mua thẻ điện thoại công cộng cũng không dễ, bởi hầu hết các quầy hàng hiện nay chỉ bán sim, thẻ cào nạp tiền điện thoại di động.
Trên phố Giang Văn Minh, quận Ba Đình có 2 trạm ĐTCC, màn hình của cả 2 trạm đều hỏng. Một trạm, lâu ngày không được tu sửa, bảo trì, cabin bám đầy bụi bẩn, trông rất nhem nhuốc; trạm còn lại trở thành nơi tụ tập của xe ôm, người qua đường, bốc mùi xú uế nồng nặc và đã bị hoen gỉ. Trạm ĐTCC nằm sát Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã bị một hàng bán mũ bảo hiểm trên vỉa hè sử dụng làm "kho" chứa hàng. Còn trạm ĐTCC đối diện Trường THPT Nguyễn Trãi (phố Nam Cao, quận Ba Đình) lại bị một công trình xây dựng "bịt mặt", khiến ai muốn gọi điện cũng không thể vào được. Khảo sát trên một số tuyến phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du, Kim Mã... chúng tôi nhận thấy, nhiều trạm ĐTCC đã bị bỏ hoang, không thể sử dụng được. Một số trạm chỉ còn đoạn dây nối với thân máy, ống nghe đứt rời hẳn ra; có trạm hệ thống bấm số bị hỏng, màn hình không nhìn thấy gì, thậm chí có trạm còn mất cả thân máy, chỉ còn cabin... Không ít trạm dán dày đặc quảng cáo rao vặt, rất phản cảm. Một người làm nghề xe ôm ở ngã tư Kim Mã - Giang Văn Minh cho biết: "Tôi thấy hiếm người vào trạm ĐTCC gọi điện. Dăm bữa, nửa tháng mới thấy người vào, nhấc tai nghe lên thấy máy bị hỏng, lại lắc đầu quay ra".
Theo Công ty Viễn thông Hà Nội, là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, chịu trách nhiệm phục vụ, kinh doanh các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin ở khu vực Hà Nội thì hiện tại trên địa bàn Thủ đô có khoảng 1.300 trạm ĐTCC. Đến nay, Công ty Viễn thông Hà Nội vẫn chưa có số liệu cụ thể về số trạm bị hỏng. Ông Vũ Bá Hướng, Phó Trưởng phòng Kinh doanh VNPT Hà Nội khẳng định: "VNPT là doanh nghiệp hướng tới cộng đồng và thực hiện công tác viễn thông công ích, phục vụ mọi nhu cầu của cộng đồng dân cư, chú trọng hỗ trợ những người nghèo, thu nhập thấp, giúp họ có cơ hội sử dụng các dịch vụ viễn thông, chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Một trong những dịch vụ viễn thông công cộng mang tính phục vụ công ích của VNPT Hà Nội, đó chính là dịch vụ điện thoại thẻ. Do vậy, mặc dù không có lãi, nhưng công ty vẫn chủ trương duy trì loại hình dịch vụ này, nhằm phục vụ mọi nhu cầu của cộng đồng dân cư và du khách nước ngoài. Hiện tại, ở những điểm công cộng như nhà ga, sân bay… loại hình này vẫn còn tác dụng".
Khó khăn nhất của VNPT Hà Nội hiện nay là, tuy có một đội kỹ thuật chuyên làm nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện, bảo dưỡng, sửa chữa hỏng hóc và giải tỏa các trạm ĐTCC bị lấn chiếm, nhưng khi phát hiện những đối tượng phá hoại, lấn chiếm, đổ phế thải… đơn vị cũng không được phép xử phạt, mà chỉ có thể làm văn bản gửi các cơ quan chức năng, khiến tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn. Mặc dù VNPT đã áp dụng nhiều biện pháp, song ý thức bảo vệ tài sản công cộng của nhiều người dân còn kém. VNPT Hà Nội đã nhiều lần làm việc với cơ quan công an, chính quyền các địa phương để phối hợp bảo vệ tài sản chung, nhưng tình trạng phá hoại, lấn chiếm các trạm ĐTCC vẫn không chấm dứt.
Quyết tâm duy trì loại hình dịch vụ điện thoại thẻ để phục vụ mọi nhu cầu của người dân, nhất là người nghèo, có thu nhập thấp, khách du lịch nước ngoài… là chủ trương đúng, cần thiết. Tuy nhiên, VNPT Hà Nội phải chú trọng hơn nữa đến công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các trạm bị hỏng, xuống cấp, nếu không loại dịch vụ này sẽ còn "lay lắt", "dở sống, dở chết", vừa gây lãng phí, vừa làm mất mỹ quan đô thị. Thiết nghĩ, Công ty Viễn thông Hà Nội nên bỏ những trạm ĐTCC ở xa trung tâm, nơi có ít khách hàng sử dụng, tập trung đầu tư cho các trạm trên các tuyến phố có nhiều du khách nước ngoài, ở các nhà ga, sân bay, trường học…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.