Công tác bảo dưỡng, sửa chữa đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tuổi thọ, bảo đảm sự hoạt động tin cậy của thiết bị và có vai trò trực tiếp trong việc bảo đảm an toàn, duy trì năng lực, hiệu quả sản xuất của các nhà máy. Với đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã làm chủ kỹ thuật, công nghệ, từng bước nâng tầm thành dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa, vươn lên phát triển trong khu vực và quốc tế.
Mỗi thiết bị công nghiệp đều có các nhà bản quyền, thiết kế. Bởi vậy, không có chuyện thích vận hành thế nào thì bấm nút thế đó. Bởi vậy, để có thể vận hành Nhà máy Lọc hóa dầu như Dung Quất với 115% công suất, đòi hỏi trí tuệ của hàng trăm cán bộ vận hành, sự chu đáo, cẩn trọng của hàng nghìn lượt công bảo dưỡng, bảo trì để hiểu thấu, hiểu rõ từng chi tiết nhà máy như cơ thể của chính bản thân họ. Không những thế, để tăng công suất vượt thiết kế, đội ngũ cán bộ kỹ thuật vận hành phải vượt qua hàng loạt kiểm tra đến từ nhà thiết kế bản quyền, thuyết phục họ bằng đủ các loại giả thuyết, mô hình để chốt lại được phương án vận hành tối ưu cho thiết bị, hệ thống công nghệ.
Ý thức được vấn đề đó, ngay từ khi đầu tư xây dựng dự án, việc xây dựng, hình thành đội ngũ nhân sự và cơ sở vật chất phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm nhà máy được vận hành trơn tru ngay khi được đưa vào sử dụng đã được Petrovietnam và các đơn vị thành viên đặc biệt coi trọng. Các nhân sự được tuyển mộ và đào tạo đều là những cá nhân có kiến thức nền tốt, được đào tạo chuyên sâu theo một quy trình chặt chẽ, nhiều năm trước khi nhà máy được đưa vào hoạt động. Đây là những viên gạch đầu tiên để từng bước, dần hình thành nên đội ngũ bảo dưỡng, sửa chữa để có thể làm chủ công tác này.
Tại buổi tọa đàm “Sáng tạo, làm chủ công nghệ trong hoạt động bảo dưỡng các công trình dầu khí”, ông Nguyễn Thế Hoành, Phó Giám đốc Chi nhánh Dịch vụ kỹ thuật công nghiệp của Tổng công ty Hóa chất và dịch vụ dầu khí (PVChem) đã chia sẻ rất sinh động về sự trưởng thành của cán bộ bảo dưỡng, sửa chữa. Những ngày đầu tham gia công tác này, cán bộ, công nhân viên của PVChem (tham gia 4 đợt bảo dưỡng sửa chữa Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất và đợt đầu tiên của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn) chỉ là những đốc công, đi “gõ đầu công nhân”, hay nói cách khác là học việc, bảo sao làm vậy. Sau mỗi lần bảo dưỡng, sửa chữa lớn, vừa học vừa làm, đến nay, PVChem đã xây dựng được một đội ngũ chuyên nghiệp, có khả năng đảm nhận được các gói thầu kỹ thuật với 100% cán bộ, chuyên gia là người Việt Nam.
Những kỷ lục thời gian hoạt động liên tục được phá vỡ đã là minh chứng cho sự trưởng thành trong công tác này của Petrovietnam, chẳng hạn như Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất đã duy trì hoạt động liên tục 1.800 ngày, Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành liên tục 330 ngày, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa tiết kiệm cho mỗi nhà máy hàng triệu USD/năm… Tất cả các con số trên thể hiện việc vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa đã được thực hiện rất tốt, sự khẳng định đối với năng lực, sự trưởng thành của đội ngũ nhân sự vận hành và bảo dưỡng sửa chữa của ngành Dầu khí.
Có thể khẳng định, công tác bảo dưỡng, sửa chữa đã đóng góp quan trọng vào việc hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường các sản phẩm lọc hóa dầu cạnh tranh khốc liệt, nhiều biến động thời gian gần đây. Với đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, làm chủ công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy lớn có công nghệ tiên tiến về lọc hóa dầu, chế biến khí, điện, đạm, Petrovietnam đã làm chủ kỹ thuật, công nghệ mà trước kia phải thuê chuyên gia nước ngoài; đồng thời đặt mục tiêu không chỉ làm tốt công tác bảo dưỡng, sửa chữa trong ngành, mà nâng tầm thành dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa các công trình công nghiệp lớn trong nước cũng như vươn tầm trong khu vực và quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.