(HNM) - Từ năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm công nghệ 5G cho 3 doanh nghiệp: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) để chuẩn bị triển khai thương mại. Mặc dù vậy, các chuyên gia đều cho rằng, từ nay đến năm 2025 dịch vụ 4G vẫn sẽ là chủ đạo…
Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến nay thế giới có 386 nhà mạng tại 125 quốc gia/vùng lãnh thổ tuyên bố đầu tư 5G; hiện có 81 nhà mạng đã triển khai ít nhất 1 dịch vụ 5G. Tại Việt Nam, cả 3 nhà mạng lớn Viettel, MobiFone, VNPT đều thử nghiệm công nghệ 5G tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; riêng MobiFone thử nghiệm thêm tại Đà Nẵng và Hải Phòng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 19/2020/TT-BTTTT ngày 20-8-2020 quy hoạch băng tần 24,25-27,5GHz cho hệ thống thông tin di động IMT-2020 (5G và thế hệ tiếp theo), song việc cấp phép băng tần 5G theo hình thức đấu giá hay thi tuyển hiện chưa có thông tin. Trong khi đó, việc tổ chức đấu giá băng tần 2,6GHz cho 4G bị chậm trễ vì vướng một số quy định.
Với những thông tin trên, có thể thấy việc triển khai 5G trên thế giới và Việt Nam không được như dự kiến, nhất là khi cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Trong khi ước tính chi phí đầu tư cho thiết lập hạ tầng mạng 5G là rất lớn so với mạng 4G (gấp 3-4 lần) còn tỷ trọng doanh thu từ dữ liệu (data) gồm cả 3G, 4G của các nhà mạng vẫn khiêm tốn (25-30%) trong tổng doanh thu viễn thông. Điều này đặt ra bài toán hiệu quả đầu tư, nhất là cả 3 nhà mạng trên đều là doanh nghiệp nhà nước lớn.
Cho rằng dịch vụ 4G vẫn là chủ đạo với các nhà mạng trong vài năm tới, ông Nguyễn Trường Giang, Quyền Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone (thuộc Tập đoàn VNPT) cho biết, 5G là xu hướng công nghệ, nhưng chưa đem lại hiệu quả ngay. Vì vậy, trong giai đoạn đầu 5G sẽ được nhà mạng cung cấp dịch vụ ở một vài ngành công nghiệp và phải sau năm 2024 mới được cung cấp tới người dân… Cùng quan điểm, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Viettel cũng nhận định, khi cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tắt sóng công nghệ cũ thì 4G sẽ là dịch vụ chủ đạo cả về quy mô mạng lưới và thuê bao.
Thế nhưng, vấn đề hiện nay với các nhà mạng là phải làm thế nào để tăng doanh thu từ data di động, không chỉ tăng hiệu quả đầu tư, mà còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng trên thế giới. Về vấn đề này, ông Bùi Sơn Nam - Phó Tổng Giám đốc MobiFone phân tích, nguyên nhân bắt nguồn từ tình trạng phát wifi miễn phí tràn lan từ các quán cafe đến nhà hàng, trung tâm thương mại… Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước nên nghiên cứu phương án quản lý với loại hình trên, kiểm soát cước băng rộng cố định thì mới tăng nhu cầu dùng băng rộng di động. Chỉ khi giải quyết được bài toán này thì đầu tư 4G mới “sống” được, không thì rất khó cho nhà mạng tái đầu tư mạng lưới.
Phân tích thêm về vấn đề cước data hiện nay, ông Tào Đức Thắng cho rằng, muốn tăng doanh thu từ 4G thì phải làm sao để khách hàng tiêu dùng data di động nhiều hơn. Nhà mạng phải có chính sách gói cước, nội dung, ứng dụng để khách hàng có thể trải nghiệm băng rộng di động nhiều hơn.
Với những phân tích như nêu trên có thể thấy trong thời gian tới, 4G vẫn sẽ là dịch vụ chủ đạo để cung cấp cho khách hàng và kỳ vọng đem lại doanh thu cao hơn cho các nhà mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.