(HNM) - Báo Bưu điện Việt Nam phối hợp với đối tác đã công bố khảo sát về mức độ hài lòng của khách hàng với chất lượng dịch vụ 3G năm 2012 tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.
Đó không phải là thông tin mới, vì trên các phương tiện thông tin đại chúng và một số diễn đàn khác cũng đã phản ánh việc khách hàng phàn nàn chất lượng dịch vụ 3G của 3 nhà mạng lớn nhiều khi như "rùa bò". Cơ quan quản lý nhà nước và một số chuyên gia trong ngành cũng từng cảnh báo chất lượng 3G, nhất là tại các thành phố lớn không bảo đảm. Do vậy, cũng dễ hiểu khi có tới 45% người dùng chưa hài lòng với chất lượng dịch vụ mà báo cáo đã chỉ ra cụ thể: 26% người dùng không hài lòng và 19% người dùng rất không hài lòng về tốc độ đường truyền. Có lẽ đây cũng là lý do khiến tỷ lệ khách hàng cam kết sử dụng lâu dài dịch vụ 3G giảm từ 71% của năm 2011 xuống còn 64% năm 2012; tỷ lệ khách hàng rời bỏ tăng từ 4% lên 6%. Báo cáo cũng đưa ra một số đề xuất như nhà mạng cần đăng ký mức chuẩn tối thiểu về kỹ thuật và công bố rộng rãi; cần kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng mọi lúc, mọi nơi như đăng ký; xây dựng hệ thống theo dõi chi phí sử dụng 3G và đưa ra cảnh báo khi khách hàng sử dụng gần hết dung lượng cho phép hoặc khi có sự thay đổi đột biến về chi phí…
Khách hàng chưa thực sự hài lòng với chất lượng dịch vụ 3G của các nhà mạng. Ảnh: Thanh Hải |
Sau khi công bố kết quả khảo sát trên, tại một số diễn đàn, các nhà mạng lý giải không có chuyện chất lượng mạng 3G đi xuống. Đại diện Vinaphone cho biết, trong thời gian qua, nhà mạng đẩy mạnh đầu tư cho mạng lưới, nhất là khu vực thành thị, để nâng cao chất lượng kết nối. Tuy nhiên, do nhu cầu của người sử dụng dịch vụ ngày càng tăng nên có đôi lúc chưa đáp ứng được nhu cầu. Đại diện Viettel dẫn lại các số liệu về người dùng 3G năm 2012, theo đó con số này tăng gấp 5 lần so với năm 2011, kèm theo đó là nhu cầu trải nghiệm dịch vụ cao hơn… khiến các nhà mạng bộc lộ những khiếm khuyết nhất định chưa đáp ứng được của mạng lưới. Đại diện các nhà mạng cũng đồng thời khẳng định họ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trở lại vấn đề chất lượng dịch vụ 3G, có thể nói kể từ khi chính thức cung cấp dịch vụ (từ cuối năm 2009) đến nay các nhà mạng đã đầu tư vào mạng lưới 3G ước tính khoảng 28.000 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ USD) với hơn 44.000 trạm BTS 3G. Đây là nỗ lực không nhỏ (tất nhiên, các nhà mạng thực hiện theo cam kết) nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm thì đây là điều rất đáng ghi nhận. Một nỗ lực nữa của các nhà mạng là đầu tư vốn lớn và để khuyến khích người dân dùng dịch vụ, đã đưa ra mức giá bình dân (áp dụng gói cước 3G không giới hạn với 50.000 đồng/tháng). Đây cũng là lý do khiến lượng thuê bao dùng mobile internet tăng mạnh. Theo Bộ TT-TT, các nhà mạng đầu tư cho mạng lưới thể hiện ở việc dựng trạm BTS, vùng phủ… đều vượt xa các chỉ tiêu cam kết (trong hồ sơ thi tuyển). Một công bố mới về kết quả đo kiểm chất lượng mạng do Cục Viễn thông thực hiện cũng cho thấy tốc độ tải trung bình trên thực tế của các nhà mạng đạt 1,8Mbps, tỷ lệ thành công cuộc gọi đạt hơn 99% - cao hơn cam kết ban đầu trong hồ sơ xin cấp phép triển khai 3G.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nhu cầu sử dụng của khách hàng ngày càng lớn và đa dạng trong bối cảnh các nhà mạng vẫn tiếp tục hoàn thiện về mạng lưới thì việc thỏa mãn nhu cầu sử dụng không thể là chuyện có thể đáp ứng ngay được. Song để nâng cao chất lượng mạng 3G, vừa qua Bộ TT-TT đã ban hành thông tư về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông, trong đó quy định nhà mạng phải công khai chất lượng đã được đo kiểm… cũng nhằm gắn trách nhiệm cao hơn của các nhà cung cấp trong việc phục vụ khách hàng. Cuối cùng, cũng phải nói thêm, bản khảo sát cũng đưa ra số liệu hơn 90% đối tượng được hỏi cho biết tiếp tục sử dụng 3G trong thời gian tới. Như vậy, khách hàng vẫn còn tin và hy vọng nhà mạng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.