Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ 3G: Chất lượng kém vì thiếu trạm BTS?

Việt Nga| 21/09/2012 08:05

(HNM) - Gần đây, khách hàng phàn nàn nhiều về chất lượng dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ di động sóng yếu làm bị đứt cuộc gọi, phải gửi tin nhắn nhiều lần…

Khách hàng tìm hiểu dịch vụ Mobifone. Ảnh: Thanh Hải


Hiện tượng mà khách hàng phản ánh được giới chuyên môn gọi là do nguyên nhân sóng 2G nuốt 3G, bắt nguồn từ sau khi các nhà mạng triển khai dịch vụ 3G. Cùng với hạ tầng mạng 2G cũ, các nhà mạng lắp đặt thêm hạ tầng mạng 3G và với các khách hàng dùng máy điện thoại có tính năng hỗ trợ 3G (thường là các dòng smartphone), nhất là thuê bao đăng ký dùng gói cước internet di động khi di chuyển đến vùng có sóng 3G mạnh, máy sẽ tự động chuyển biểu tượng 3G và ngược lại, nếu đi qua vùng sóng yếu, máy sẽ bị mất biểu tượng này. Mỗi khi chuyển chế độ bắt sóng, sẽ lại phải dò lại mạng và trong quá trình đó thuê bao rơi vào tình trạng không gửi được tin nhắn, hoặc bị đứt cuộc gọi, không nhận được cuộc gọi. Đại diện các nhà cung cấp dịch vụ di động cũng không phủ nhận vấn đề này. Vậy hướng giải quyết ra sao?

Đại diện của Trung tâm Thông tin di động khu vực 1 (VMS-Mobifone) cho biết, việc nâng cao chất lượng dịch vụ hiện được coi là sống còn với các DN, nó không chỉ là việc đáp ứng nhu cầu, bảo đảm cho khách hàng như cam kết mà còn là cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà mạng. Do vậy, cùng với tất cả các khâu liên quan đến chăm sóc khách hàng, DN phải đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng mạng lưới mà cụ thể là xây dựng và lắp đặt trạm BTS mới. Song việc dựng trạm BTS mới lại không dễ dàng. Vị đại diện này cho biết, do bị người dân khiếu kiện, thời gian qua, tại các khu vực quận Hà Đông (thuộc địa bàn phường Phú Lãm, Hà Trì), một số xã thuộc huyện Hoài Đức, huyện Đan Phượng; xã Đại Mỗ (huyện Từ Liêm) Mobifone chưa thể xây dựng, lắp đặt được trạm thu phát sóng mới. Cá biệt như ở trạm Đức Giang (thuộc xã Đức Giang, quận Long Biên), dù đã hoàn thành đầy đủ giấy tờ chỉ đợi thi công nhưng cũng vì lý do người dân phản đối, công trình phải dừng lại, thậm chí trước sức ép của người dân, chính quyền địa phương còn ra văn bản thu hồi giấy phép cấp cho đơn vị. Đại diện Mobifone khu vực 1 cũng cho biết, đơn vị cũng đàm phán lắp đặt BTS tại một số chung cư, tòa nhà khu vực Mộ Lao, nhưng do tình hình thị trường bất động sản đóng băng, nên một số công trình thi công bị chậm lại và do vậy việc lắp đặt mới BTS cũng bị ảnh hưởng.

Theo đại diện của Công ty Mạng lưới Viettel cho biết, từ năm 2010, Viettel có kế hoạch xây mới 12 trạm BTS tại địa bàn quận Hà Đông, nhưng do người dân khiếu kiện nên chưa thể triển khai, trong đó có 5 trạm đã được xây mà chưa thể phát sóng. Cũng theo ý kiến của Viettel, đơn vị có nhu cầu cải tạo nâng cấp các trạm BTS cũ bằng cách nâng thêm độ cao của cột tại một số khu vực, nhưng sau khi đi khảo sát lại chưa dám thực hiện vì sợ bị người dân khiếu kiện không cho phát sóng nữa… Về hướng giải quyết, đại diện các DN đều cho rằng, trong Quyết định 114 của UBND TP Hà Nội về quản lý, cấp phép xây dựng với các trạm BTS có quy định hồ sơ xin cấp phép xây dựng phải có ý kiến chấp thuận của chính quyền địa phương, điều này là đúng đắn. Song tại nhiều nơi, do người dân khiếu kiện, dù đã có ý kiến của chính quyền địa phương thì DN cũng vẫn không thể triển khai lắp đặt BTS. Vì vậy, trong triển khai lắp đặt BTS, chính quyền địa phương cũng cần phải đẩy mạnh việc hỗ trợ tuyên truyền, thuyết phục người dân tạo điều kiện cho DN. Bộ Thông tin và Truyền thông cần vào cuộc để cả người dân và DN đỡ gặp khó khi triển khai BTS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ 3G: Chất lượng kém vì thiếu trạm BTS?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.