Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch sởi - Mối quan ngại của thế giới

Kim Phượng| 26/04/2014 06:28

(HNM) - Hiện nay dịch sởi không chỉ bùng phát ở Việt Nam mà từ Philippines, Singapore đến Mỹ - quốc gia đã công bố thanh toán dịch này từ năm 2000, bệnh sởi cũng đã quay trở lại với mối quan ngại sâu sắc của cộng đồng.

Mới đây thành phố New York (Mỹ) đã công bố thêm 2 ca nhiễm sởi mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 26 trường hợp. Dịch sởi bắt đầu bùng phát tại New York từ tháng 2 vừa qua và đến nay vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Dù đã công bố thanh toán dịch sởi từ năm 2000, nhưng năm 2013 Mỹ lại hứng chịu sự càn quét của virus này. Năm 2013, sởi đồng loạt khởi phát tại Columbia, NewYork, Bronx với 174 trường hợp nhiễm bệnh, gấp 3 lần mức trung bình (60 ca/năm) trong vòng 10 năm. Điểm đặc biệt là hầu hết các trường hợp mắc sởi mới đều đến từ Châu Âu (gần 50%). Trong số này có 6 ca từ Đức, 4 ca từ Anh, 4 ca liên quan tới Ba Lan và 2 ca bắt nguồn từ Italia. Samuel Katz, Chủ tịch danh dự Khoa Nhi của Trường dược Duke đồng thời là người đã tham gia phát triển vắcxin phòng bệnh sởi nhận định, việc nước Mỹ đang bị "tấn công" bởi virus từ các nước Cựu lục địa cho thấy công tác tiêm chủng tại các quốc gia này chưa thực sự hiệu quả. Một nguyên nhân nữa là từ khi thanh toán dịch cách đây 14 năm, các bác sĩ trẻ tại Mỹ đã có ít kiến thức thực tế về căn bệnh này cũng như cách điều trị.

Trong khi đó chỉ trong 3 tháng đầu tiên của năm 2014, Philippines đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp mắc sởi. Theo thông báo Bộ Y tế Philippines, nước này đã có 3.734 trường hợp mắc sởi, trong đó có 23 người tử vong. Hơn nửa số trường hợp mắc sởi nói trên (1.792 ca) được ghi nhận tại khu vực thủ đô Manila, tiếp theo là các vùng Calabazon với 820 ca nhiễm, Central Luzon với 386 ca. Ngoài ra, Philippines đang chờ kết quả xác định của 9.586 trường hợp nhiễm sởi được báo cáo trên cả nước. Dịch sởi ở Philippines được cộng đồng quốc tế chú ý hơn bởi nó không chỉ gây dịch ở trong nước mà nó còn tạo thành "đường lan truyền" ra nhiều nước khác qua khách du lịch. Các cơ quan y tế của Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Anh, Mỹ đã xác nhận có các trường hợp là khách du lịch trở về từ Philippines mang theo virus sởi. Bộ Y tế Singapore cũng vừa thông báo đã có 72 ca nhiễm sởi ở đảo quốc Sư tử, trong đó có đến 23 người từng tới Philippines vào những ngày đầu năm nay. Để đối phó với dịch sởi đang hoành hành, Bộ Y tế Philippines và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang triển khai các hoạt động khống chế dịch bùng phát bao gồm cả chiến dịch tiêm vắcxin sởi. Theo đó, Bộ Y tế Philippines đã nhận được hỗ trợ 5 triệu liều vắcxin sởi - rubella (MR) do Hoàng tử xứ Wales tặng. Đây là một phần trong số vắcxin cần thiết để sử dụng cho khoảng 13 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi hợp tác với WHO cho đến tháng 9-2014.

Trong lúc dịch sởi bắt đầu xuất hiện trở lại tại nhiều quốc gia, các nhà khoa học Mỹ cho biết đã đạt bước đột phá trong việc chế tạo một loại thuốc uống có thể chống lại bệnh sởi. Qua thử nghiệm trên loài chồn sương, loại thuốc có tên gọi ERDRP-0519 có thể ngăn chặn được virus sởi sao chép. Nếu được điều chế thành công, loại thuốc này nên được uống trước khi xuất hiện các triệu chứng, khi virus sởi đang trong quá trình sao chép. Nhưng giới y học khuyến cáo tiêm chủng hiện vẫn là cách tốt nhất phòng ngừa sởi. Theo thống kê, 90% trường hợp mắc bệnh đều do các bé không được tiêm phòng đủ mũi hoặc bỏ hoàn toàn không tiêm phòng sởi. Một số phụ huynh tin là tiêm chủng có thể gây ra chứng tự kỷ, rối loạn tăng động, giảm chú ý, hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ, ung thư và các bệnh khác… Một số khác thậm chí còn khăng khăng cho rằng những người mà hệ miễn dịch không bị "đầu độc" bởi vắc xin sẽ ít bị ốm hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, tư tưởng "chống vắc xin" là một trong những nguyên nhân khiến dịch sởi nghiêm trọng hơn và làm hồi sinh nhiều căn bệnh có thể gây ra những cái chết oan uổng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch sởi - Mối quan ngại của thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.