Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch giả Xuân Hồng: “Chịu áp lực lớn khi dịch Hỏa Ngục của Dan Brown”

Hoàng Lân| 19/03/2014 10:25

(HNMO) – Ngày 18-3, Công ty sách Bách Việt chính thức ra mắt cuốn sách “ăn khách” của nhà văn nổi tiếng Dan Brown – “Hỏa ngục”. Nhân dịp này, dịch giả Xuân Hồng đã có cuộc trao đổi về quá trình dịch tác phẩm.

Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng


* Cảm giác của anh khi hoàn thành xong tác phẩm “Hỏa ngục” – một trong những cuốn sách được trông đợi nhất năm 2013 và luôn là tâm điểm chú ý của bạn đọc trên toàn thế giới nói chung và độc giả Việt Nam nói riêng?

- Tôi thở phào vì đã hoàn thành một thử thách lớn, bởi tôi đã hoàn thành bản dịch kịp tiến độ để sách ra mắt độc giả đúng dịp Hội chợ Sách TPHCM vào ngày 24-3 tới.

* Anh phải chịu áp lực thế nào khi dich một tác phẩm bán chạy nhất thế giới và được độc giả rất đón chờ như vậy?

- Thực tế thì dịch tác phẩm nào của Dan Brown cũng áp lực vì ông là tác giả mà mỗi tác phẩm mới ra đời luôn được rất đông đảo bạn đọc trên toàn thế giới đón chờ. Ở nước ngoài, độc giả háo hức muốn biết tác phẩm mới của Dan sẽ nói về chủ đề gì, nội dung có hay không, mới không. Còn ở Việt Nam, độc giả ngóng chờ những điều tương tự và bên cạnh đó còn trông đợi xem bản dịch có đạt không, chuẩn không, nhất là trong bối cảnh gần đây liên tiếp có những sự cố dịch thuật. Vì thế, dịch giả nói chung và dịch giả tác phẩm của Dan Brown sẽ luôn chịu áp lực phải cho ra được một bản dịch không bị “ném đá” hay nói cách khác là được độc giả chấp nhận.

* “Hỏa ngục” vẫn là tác phẩm trinh thám mật mã mà nhân vật chính ta đã gặp ở “Mật mã Da Vinci”, “Thiên thần và ác quỷ” của Dan Brown. Tất cả những tác phẩm thuộc dòng trinh thám mật mã của Dan Brown đều rất khó và thách thức các dịch giả. Với anh, khó khăn nhất khi hoàn thành cuốn sách này là gì?

- Dịch cuốn sách nào cũng có những khó khăn giống nhau do sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa. Việc dịch cho đạt, cho hay những thành ngữ, những chỗ chơi chữ… luôn là thử thách đối với người làm công tác dịch thuật. Ngoài ra, đối với tiểu thuyết “Hỏa ngục” và các tác phẩm trước đó của Dan Brown nói chung, còn có vô số những thuật ngữ, khái niệm, tác phẩm khoa học, tôn giáo, nghệ thuật… cũng như tên gọi các địa danh, công trình mà việc dịch sang tiếng Việt cũng là thách thức lớn.

Cuốn sách "Hỏa ngục" của Dan Brown chính thức ra mắt độc giả Việt Nam từ ngày 18-3


Khi dịch, tôi luôn phải tra cứu rất kỹ để hiểu rồi mới lựa chọn cách dịch. Cũng có rất nhiều trường hợp phải chia sẻ, bàn luận với bạn bè, người than để nghe ý kiến hoặc gợi ý cách dịch cho phù hợp. Trong trường hợp “Hỏa ngục”, do nhiều lý do nên tôi không có điều kiện trao đổi, thảo luận về những khó khăn gặp phải trong quá trình dịch. Tuy nhiên, đến khâu biên tập, tôi luôn làm việc chặt chẽ với các biên tập viên, trao đổi, chia sẻ quan điểm về những chi tiết cần thay đổi, để lựa chọn phương án dịch phù hợp nhất.

* Ngay sau khi cuốn sách được phát hành chính thức vào ngày 14-5-2013, đã có 2 luồng dư luận trái chiều nói về cuốn sách này. Bên cạnh sự ủng hộ của nhiều người thì cũng có không ít nhà phê bình đã thẳng thắn nói lên sự thất vọng của mình. Theo một số nhà phê bình, “Hỏa ngục” vẫn không thoát khỏi cái bóng của “Mật mã Da Vinci - The Da Vinci Code” và tài kể chuyện của Dan cũng bị nhận xét đã bị “chùng xuống” vì sức nặng của những chi tiết lịch sử. Vậy ý kiến của anh về nhận xét này là như thế nào?

- Phải nói thật là với những độc giả thích thể loại trinh thám và kỳ vọng sẽ được đọc một tác phẩm trinh thám gay cấn, căng thẳng đến nín thở thì “Hỏa ngục” ít nhiều sẽ làm họ thất vọng. Tôi nói vậy vì yếu tố trinh thám, hình sự trong “Hỏa ngục” đã giảm đi rất nhiều. Điều này đã được một số nhà phê bình và độc giả nêu ra khi đọc bản gốc tiếng Anh và họ nói rằng tác phẩm không vượt ra khỏi cái bóng “Mật mã Da Vinci”. Cá nhân tôi cho rằng, việc đòi hỏi một tác giả viết tác phẩm sau phải vượt tác phẩm “đỉnh cao” trước đó của chính mình là không hợp lý. Đòi hỏi đó phản ánh mong muốn, kỳ vọng chủ quan của chúng ta đặt vào tác giả mà chúng ta yêu quý, nhưng nếu nghĩ kỹ thì ta sẽ thấy đòi hỏi đó rất khó thành hiện thực trên mọi phương diện bởi viết ra được một tác phẩm “đỉnh cao” thật sự không hề dễ dàng.

Với tôi, tôi đánh giá rằng, sau khi đã viết ra được “Mật mã Da Vinci”, Dan Brown vẫn tiếp tục cho ra đời “Biểu tượng thất truyền,” “Hỏa ngục” là bút lực rất ghê gớm và thực tế sẽ ít tác giả làm nổi được rồi. Còn nhận xét về nội dung “Hỏa ngục” so với các cuốn trước, tôi cho rằng bên cạnh mặt “đuối” trong việc tạo ra tính “trinh thám” gay cấn như nói ở trên thì lần này, Dan Brown lại có một thử nghiệm mới. Nếu các cuốn trước, Dan tập trung sử dụng những kiến thức phong phú về nghệ thuật, biểu tượng, tôn giáo, văn hóa của mình để tạo ra những câu truyện trinh thám đơn thuần thì lần này, “Hỏa ngục” lại gắn với một vấn đề thời sự có tính toàn cầu: Tình trạng quá tải dân số. Tóm lại, tác phẩm của ông không còn là câu chuyện hư cấu phục vụ nhu cầu giải trí đơn thuần nữa mà đã gắn với một vấn đề thiết thực của cuộc sống, khiến độc giả phải suy nghĩ.

* Cám ơn anh về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dịch giả Xuân Hồng: “Chịu áp lực lớn khi dịch Hỏa Ngục của Dan Brown”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.