(HNM) - Vừa qua, tại một số phiên tòa dân sự, đại diện viện kiểm sát (VKS) không chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án mà còn đưa ra cả kết luận về nội dung tranh chấp ngay trong giai đoạn xét xử.
Việc dân sự cốt ở đôi bên
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch nhận định, việc dân sự cốt ở hai bên đương sự, khi họ không tự giải quyết được mới đưa ra tòa. Tòa giải quyết án trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên hoặc dựa vào chứng cứ. Chuyện có kẻ thắng người thua là điều tất yếu. "Cho kiểm sát viên phát biểu quan điểm cả phần nội dung tranh chấp, đường lối xử lý là đi quá sâu vào giải quyết án, cần giảm bớt dần việc Nhà nước can thiệp vào các quan hệ dân sự. Theo xu thế này, Quốc hội đang cho phép thí điểm cơ chế thừa phát, để tổ chức tư này trực tiếp xác minh thi hành bản án, được các địa phương ủng hộ thực chất là trả quan hệ dân sự lại cho người dân" - ông Trần Du Lịch nêu rõ.
Cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất của ông Trần Du Lịch, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào cho rằng căn cứ Hiến pháp thì VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tuy vậy, với vụ việc hình sự và dân sự thì chức năng của VKS có khác nhau. Theo đó, trong vụ án hình sự, VKS giữ vai trò công tố, còn vụ việc dân sự, VKS chỉ thực hành kiểm sát hoạt động xét xử từ khi thụ lý đến khi giải quyết xong. Việc tranh tụng dân sự là các đương sự và người bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự, VKS cũng không khởi tố nên VKS không phải là chủ thể trong tranh tụng dân sự. Mặt khác, ông Tống Anh Hào cho rằng, theo quy định hiện hành, VKS chỉ kiểm sát việc ra phán quyết của TA là đúng hay sai. Trong lúc tranh luận, TA chưa ra phán quyết thì làm sao VKS biết được TA sẽ phán quyết thế nào mà kiểm sát. Nên chờ đến cấp phúc thẩm, khi đã có bản án thì VKS có quyền và trách nhiệm nhận định cũng chưa muộn.
Từ kinh nghiệm thực tiễn tham gia các vụ xét xử, luật sư Nguyễn Công Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng bày tỏ lo ngại: Nhiều vụ kiểm sát viên kết luận về mặt nội dung một đằng, hội đồng xét xử lại tuyên án một nẻo khiến người dân thêm hoang mang, vụ án thêm phức tạp. Chưa kể, việc kiểm sát viên kết luận cả phần nội dung ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến phán quyết của tòa, đôi khi làm kéo dài việc giải quyết án một cách không cần thiết. Điều luật sư Nguyễn Công Minh muốn nhấn mạnh là trong tranh chấp dân sự, nguyên tắc thỏa thuận được đặt lên hàng đầu, ngay cả TA, nhiều trường hợp cũng chỉ làm vai trò trung gian cho các bên. Nếu tòa xử mà hai bên đồng lòng thì sự tham gia của VKS là không cần thiết và cần ủng hộ tinh thần chung: VKS không phát biểu quan điểm về nội dung.
Chưa thấy phản ánh VKS can thiệp vào việc dân sự
Dù vậy, phát biểu quan điểm về vấn đề này tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về một số luật chuẩn bị trình Quốc hội, diễn ra vào cuối tháng 8-2015, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể nhận định, vẫn cần sự tham gia của VKS ở các vụ án dân sự. "40 năm trong ngành tôi chưa thấy ai phản ánh VKS can thiệp vào việc dân sự. Nhà nước giao TAND và VKS giải quyết tranh chấp dân sự trên cơ sở pháp luật, đạo lý truyền thống. Cụ thể, TAND đóng vai trò trọng tài đứng ra phán quyết, còn VKS kiểm sát việc giải quyết đó và làm từ xưa đến nay, có ảnh hưởng đâu mà chỉ tốt hơn thôi" - ông Lê Hữu Thể nêu quan điểm. Liên quan đến việc phát biểu quan điểm của VKS tại phiên tòa, ông Lê Hữu Thể đặt vấn đề: "Nếu TA quyết trái pháp luật, ngoài quyền kháng nghị sau này, việc để VKS phát biểu sẽ giúp giảm sai sót. Nên ý kiến của VKS chỉ có tốt lên thôi".
Trước hai luồng quan điểm trái chiều trên, nhiều cán bộ tố tụng và chuyên gia mà chúng tôi trao đổi đều đồng ý rằng hai ngành TA, VKS cần sớm trao đổi và có văn bản hướng dẫn chính thức, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm pháp luật quốc tế, vận dụng phù hợp với tình hình thực tế ở nước ta. Cơ sở quan trọng nhất cần cân nhắc là Hiến pháp khẳng định VKS vẫn có 2 chức năng là công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Khi VKS phát biểu về vụ việc cả nội dung và hình thức chỉ có ý nghĩa định hướng, thực hiện quyền nhà nước được giao để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ pháp luật, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Còn TA là cán cân công lý, thực hành quyền tư pháp và có quyền ra phán quyết cuối cùng. Do đó vị trí, vai trò của VKS trong tố tụng dân sự như thế nào, là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật hay "mờ nhạt" hơn cần tính toán kỹ trong dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) đang được xây dựng để bảo đảm trong phiên xét xử, pháp luật được tuân thủ nghiêm ngặt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.