Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đích đến còn gian nan

Việt Tuấn| 10/04/2011 06:29

(HNM) - Thời gian qua, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam TP Hà Nội đã nỗ lực, cố gắng rà soát, xây dựng các mô hình hoạt động điểm; nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân trẻ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) nhằm tiến tới thành lập tổ chức Đoàn, Hội chuyên trách ở khu vực này. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đường tới "đích" vẫn còn lắm gian nan…

Giải mã nguyên nhân khó khăn

Năm 2010, Thành đoàn Hà Nội đã tham mưu, đề xuất với Thành ủy Hà Nội thành lập Đoàn Thanh niên chuyên trách trong các KCN, KCX (tương đương với cấp quận, huyện), nhằm thu hút, tập hợp thanh niên ở khu vực này tham gia tổ chức Đoàn, Hội và đã nhận được sự đồng ý về mặt chủ trương. Tuy nhiên, việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ở KCN, KCX vẫn gặp rất nhiều vướng mắc. Anh Nguyễn Hồng Dân, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết, Thành ủy chưa giao cho ngành, sở nào cùng phối hợp thực hiện chủ trương này. Bên cạnh đó, quan điểm của Thành đoàn Hà Nội là việc làm thủ tục thành lập tổ chức Đoàn, Hội không khó, nhưng quan trọng là sau khi thành lập, tổ chức này có hoạt động được ngay hay không, hiệu quả thế nào mới là đích cuối cùng cần hướng tới, vì vậy rất cần thận trọng, làm từng bước…

Phát triển tổ chức Đoàn, Hội tại các doanh nghiệp tạo điều kiện hỗ trợ thanh niên nâng cao trình độ nghề nghiệp, chất lượng cuộc sống. Ảnh: Trung Kiên

Theo thống kê của Thành đoàn Hà Nội, toàn thành phố có khoảng gần 10 nghìn doanh nghiệp với 150 nghìn công nhân đang làm việc tại các KCN, KCX và cả các làng nghề, trong đó có 90% là thanh niên, nhưng con số tổ chức Đoàn, Hội trong khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn. Có rất nhiều nguyên nhân, ví dụ như ở KCN Bắc Thăng Long, Công ty Canon có hơn 10 nghìn lao động, trong đó đa phần là lao động trẻ; chủ doanh nghiệp có am hiểu, pháp luật Việt Nam, nên tuyên bố ủng hộ việc thành lập Hội LHTN. Kế hoạch là trong tháng 3 năm nay sẽ thành lập Hội cùng với đợt phát động sản xuất cao điểm của công ty, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì chủ về nước, không liên lạc được. Chủ doanh nghiệp này có thiện chí, tạo điều kiện tốt mà vẫn trục trặc như vậy, ở nhiều nơi khác, đương nhiên còn khó hơn nhiều…

Thực tế, có nhiều chủ doanh nghiệp sợ việc sinh hoạt Đoàn, Hội sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, dễ đưa đến đình công. Cũng không ít công nhân nhận thức về tổ chức Đoàn, Hội còn rất hạn chế và thường đặt câu hỏi sẽ được gì khi tham gia sinh hoạt? Vì vậy, nếu không có giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì lộ trình 5 năm cho việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ở KCN, KCX chỉ là mục tiêu xa vời.

Những giải pháp về “đích”

Để thực hiện lộ trình phát triển Đoàn, Hội trong các KCN, KCX, Thành đoàn Hà Nội đã cử cán bộ đến các KCN, KCX, gặp gỡ, vận động, thuyết phục chủ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có từ 1.000 công nhân trở lên. Sau đó, Thành đoàn đề xuất giải pháp từng bước hỗ trợ thông qua các "phiên chợ công nhân" bán hàng giá rẻ; tổ chức "Đêm dạ hội", mời các ca sĩ đến biểu diễn phục vụ; tư vấn, tuyên truyền pháp luật; chăm sóc sức khỏe sinh sản... Hai năm gần đây, mỗi năm Thành đoàn, Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội đã phối hợp với Ban Quản lý các KCN, KCX tổ chức được hàng chục cuộc như vậy. Chủ doanh nghiệp thấy đời sống tinh thần công nhân được cải thiện, tích cực lao động, sản xuất nên có thiện chí hơn với tổ chức Đoàn, Hội.

Khảo sát mới đây của Thành đoàn Hà Nội cho thấy, trong số 1.039 phiếu trả lời, có đến 85% phiếu của công nhân mong muốn được tham gia hoạt động Đoàn. Không chỉ có nguyện vọng được chăm lo hỗ trợ học tập, tư vấn định hướng giới thiệu nghề nghiệp, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ - TDTT, họ còn muốn Đoàn, Hội làm cầu nối để họ giao lưu, kết nghĩa với các đơn vị quân đội, công an, nhằm tăng cường giữ gìn an ninh, trật tự nơi làm việc và cư trú.

Nhận thấy thực tế nhiều lao động trẻ chỉ làm trong một vài năm, thấy khó khăn, cuộc sống không bảo đảm lại nhảy việc; hoặc chủ sử dụng lao động không có nhu cầu tuyển dụng thì bị sa thải… nên cái "đích" đến của Đoàn, Hội không chỉ là nâng cao đời sống tinh thần, mà còn nâng cao cả về trình độ nghề nghiệp bảo đảm việc làm cho công nhân. Phương án mà Thành đoàn và Hội LHTN TP Hà Nội đưa ra trong thời gian tới là phối hợp với Ban Quản lý các khu nhà trọ, lưu xá công nhân, mở các lớp định hướng nghề nghiệp, dạy nghề, nhằm đồng hành với công nhân trong quá trình lập thân, lập nghiệp và thúc đẩy các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội cùng vào cuộc vì các lao động trẻ.

Trong năm 2011, Thành đoàn Hà Nội giao cho các quận, huyện Đoàn có KCN, KCX thành lập đội, nhóm nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của công nhân lao động; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm về cuộc sống, tình yêu, hôn nhân, nghề nghiệp trong công nhân trẻ; xúc tiến thành lập một số chi đoàn, chi hội điểm trong doanh nghiệp để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Điều quan trọng là, ngoài việc tham mưu giúp Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, đôn đốc các ngành chức năng cùng vào cuộc, các cấp bộ Đoàn, Hội phải tìm được sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp thông qua các mô hình, hoạt động cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đích đến còn gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.