Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đích cuối cùng là hiệu quả

Dục Tú| 16/06/2011 08:54

(HNM) - Ngày 14-6, có tin Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm giữ giá lúa trong nước và góp phần bảo đảm an ninh lương thực.


Một ngày trước đó, tại TP Cần Thơ, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức hội thảo chuyên đề về sản xuất lúa gạo, trong đó tập trung cho chủ đề nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và bảo đảm thu nhập cho nông dân.

Hai thông tin về một vấn đề, thực ra không mới nhưng đụng chạm đến những vấn đề cơ bản về an ninh lương thực trong bối cảnh tình hình lương thực thế giới có sự biến động mạnh mẽ, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, hướng tới chất lượng và về cơ bản là người trồng lúa Việt Nam, dù làm ra hàng triệu tấn gạo một năm, tạo cơ hội cho bao doanh nghiệp (DN), thương lái làm giàu nhưng vẫn là những người nghèo bậc nhất. Đó còn là sự liên kết nhiều phía trong thực hiện chuỗi hoạt động sản xuất - thu mua - xuất khẩu và việc phân phối lợi nhuận ở từng khâu…

Vấn đề không mới, nhưng bao hàm nhiều điều mà chúng ta chưa thực hiện tốt. Thực tế chỉ ra sự cần thiết phải thay đổi một cách quyết liệt, cả về phương pháp, tư duy sản xuất - thu mua - xuất khẩu, đặc biệt là từ phía DN tham gia thu mua và xuất khẩu gạo. Vào năm ngoái, khi nhiều DN chờ cơ hội ép giá thu mua, thương lái âm thầm thu mua gạo để chuyển ra nước ngoài. Cho tới lúc một nước không có thực lực và truyền thống xuất khẩu gạo ở Đông Nam Á thắng thầu cung cấp gạo cho một nước thứ ba trong vùng và nhiều DN xuất khẩu trong nước "bói" không ra gạo, người ta mới ngã ngửa rằng "gạo nhà" chảy qua nước A, tới nước B rồi chính nước B xuất khẩu cho C - nước mà chúng ta kỳ vọng sẽ giành được hợp đồng xuất khẩu gạo. Thực tế cũng nảy sinh những ì xèo quanh chuyện DN làm giàu trên lưng nông dân, chuyện "riêng rẽ khỏe ăn" trong xuất khẩu dẫn đến bị nhà thu mua nước ngoài ép giá, chuyện sản xuất nhỏ lẻ khiến năng suất, giá thành không được như ý. Tại sao người Việt Nam giỏi trồng lúa mà phải nhập gạo ngon từ Thái Lan? Tại sao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam không thể cao như một số nước có truyền thống xuất khẩu gạo khác? Và còn rất nhiều câu hỏi đặt ra dù rằng không khó để có lời giải đáp.

Số liệu cho thấy Việt Nam hiện chỉ còn hơn 9 triệu héc ta đất nông nghiệp, gần một nửa trong số đó là đất trồng lúa. Tuy nhiên, trung bình mỗi năm, quá trình đô thị hóa, nhu cầu xây dựng các khu công nghiệp đã chiếm của nông dân khoảng 74.000 héc ta đất nông nghiệp. Đà giảm ấy ảnh hưởng tới an ninh lương thực và mục tiêu xuất khẩu gạo nếu những giải pháp nâng cao năng suất và giá trị nông sản không được thực hiện nghiêm túc, và nếu các DN không thay đổi quan niệm mạnh ai nấy làm. Nó cho thấy sự vận động cần có trong cả chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó có mô hình cụm dịch vụ lúa gạo quanh vùng sản xuất tập trung. Nó cho thấy vai trò điều tiết vĩ mô trong việc xuất khẩu gạo, hình thành tiêu chuẩn giống và các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân và tiêu dùng trong nước.

Sản xuất lúa gạo trong nước đang đứng trước cơ hội lớn, việc tận dụng cơ hội thế nào phụ thuộc vào vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước và sự liên kết ba nhà giữa nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp. Chủ trương tạm trữ là đúng, là cần, nhưng cũng cần thêm chính sách vĩ mô để bảo đảm phân phối lợi nhuận hợp lý, đủ để nông dân thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, hướng tới hình thành mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tập trung. Cần khuyến khích sự tham gia của các DN vào sản xuất - tiêu thụ, như Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang hình thành cánh đồng mẫu 1.200ha trồng lúa cho năng suất 8,5 - 12 tấn/ha, nông dân lãi 25 - 34 triệu đồng/ha. Sự tham gia của DN trong toàn bộ chuỗi giúp chia sẻ rủi ro đối với nông dân, quan trọng nhất là giúp thúc đẩy giải pháp kỹ thuật để tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao, giá trị lớn.

Diện tích đất trồng lúa giảm là tất yếu của quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp - khu công nghiệp và không phải là thảm họa. Thảm họa chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta không biết tận dụng thời cơ, không kiên quyết thực hiện chính sách nông nghiệp và tạo sự liên kết hướng tới mục tiêu cộng đồng được hưởng lợi thay vì những nhóm cá nhân, DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đích cuối cùng là hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.