(HNMO) - Ngày 12-10, Tổng cục Thống kê họp báo về tình hình lao động, việc làm quý III năm 2021, với những thông tin đáng lo ngại, đặt ra yêu cầu cần có giải pháp để sớm phục hồi.
28,2 triệu người bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến thị trường lao động Việt Nam trong quý III năm 2021, nhất là vùng Đông Nam Bộ.
Tính riêng trong quý III, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… So với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người. Hầu hết những người bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 25 đến 54 tuổi, chiếm 73,3% tổng số lao động chịu ảnh hưởng.
Trong số đó, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, chiếm 51,1%; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.
Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Số người lao động ở hai vùng này chịu tác động tiêu cực và chiếm tỷ lệ cao nhất, lần lượt là 59,1% và 44,7%. Con số này ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thấp hơn nhiều, lần lượt là 17,4% và 19,7%.
Nhìn chung, lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều hơn so với khu vực nông thôn. Có 46,2% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong khi đó con số này ở nông thôn là 32,4%.
Đặc biệt, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây. Đến hết quý III, tình hình dịch Covid-19 trở nên phức tạp trên cả nước khiến việc giãn cách xã hội kéo dài, hàng loạt các doanh nghiệp, dịch vụ không thiết yếu buộc phải đóng cửa làm số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều người lao động bị buộc phải rời khỏi thị trường.
Sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia lực lượng lao động trong quý III làm tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý này xuống thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, chỉ là 65,6%, tức giảm 2,9 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 3,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, lao động có việc làm trong quý III tiếp tục giảm sâu chưa từng thấy từ trước tới nay, giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lượng lao động có việc làm quý III là 47,2 triệu người - mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Trên phạm vi toàn quốc, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III là hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý trước và tăng 449,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Đáng lo ngại là, trong quý III, cả nước có gần 2,4 triệu (chiếm 19,6%) thanh niên từ 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, tăng 642 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn
Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), dịch Covid-19 khiến lao động ở vùng Đông Nam Bộ chịu tổn thương nặng nề nhất với mức thu nhập giảm sâu. So với quý trước và so với cùng kỳ, biến thể Delta đã cuốn đi khoảng một phần tư mức thu nhập bình quân tính theo tháng của người lao động vùng này. Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động vùng này là 5,7 triệu đồng, giảm 2,4 triệu đồng (giảm tương ứng 29,8%) so với quý trước và giảm 1,9 triệu đồng (giảm tương ứng 24,9%) so với cùng kỳ. Riêng thu nhập bình quân tháng của người lao động thành phố Hồ Chí Minh chỉ là 5,8 triệu đồng, là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tính chung, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý III là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,4 lần (6 triệu đồng so với 4,3 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,35 lần (6,2 triệu đồng so với 4,6 triệu đồng).
Trước tình hình ảm đạm nói trên, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho rằng, cần quyết liệt thực hiện các biện pháp kiểm soát và đẩy lùi Covid-19, nhất là tại thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp. Đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc xin, sử dụng nguồn lực tổng hợp để sớm tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.
Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp nên có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch; xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập, nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động để cải thiện bức tranh lao động. Ngoài ra, cần công bố kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục, phát triển sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.