(HNMO) - Ngày 25-3, đội ngũ y, bác sĩ tại Tây Ban Nha đã kêu gọi chính phủ có hành động khẩn cấp khi các bệnh viện tại thủ đô Madrid đang “bên bờ vực sụp đổ”, nhiều nhân viên y tế đã bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Lời kêu gọi được đưa ra trong lúc nước này trải qua ngày có số ca tử vong cao nhất từ khi dịch bệnh bùng phát.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lo ngại, Mỹ có thể trở thành tâm dịch tiếp theo khi số ca nhiễm và tử vong liên tục tăng mạnh. Tính đến 6h ngày 25-3, trên toàn thế giới đã có 417.693 bệnh nhân Covid-19, 18.605 trường hợp tử vong, 108.312 ca hồi phục.
Châu Âu
Tại Tây Ban Nha, số bệnh nhân Covid-19 tăng thêm 4.749 người, 497 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 lên 39.885 ca, trong đó 2.808 trường hợp tử vong. Dịch vụ tang lễ chính thức của thành phố Madrid đã thông báo ngừng tiếp nhận thi thể của các nạn nhân Covid-19 vì các nhân viên không có đủ vật tư y tế bảo vệ. Lực lượng quân đội nước này đang phải khẩn cấp trưng dụng sân trượt băng Palacio de Hielo để làm nơi bảo quản thi thể.
Fernando Simon, Giám đốc trung tâm điều phối các trường hợp khẩn cấp của Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, rất nhiều y, bác sĩ, những người luôn ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh, đã nhiễm SARS-CoV-2.
Tại Italia, số ca tử vong trong 24 giờ qua đã tăng trở lại sau 1 ngày có dấu hiệu giảm xuống. Theo số liệu các cơ quan y tế nước này cung cấp, số ca nhiễm bệnh tăng thêm 5.249 người, 743 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 69.176, trong đó có 6.820 bệnh nhân tử vong. Cơ quan Bảo vệ dân sự Italia cảnh báo số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại nước này có thể cao gấp 10 lần so với thống kê chính thức.
Trước tình trạng hệ thống y tế tại Italia bị quá tải, chính quyền bang Nordrhein-Westfalen và bang Bayern của Đức đang lên kế hoạch tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 từ Italia. Nhiều bang khác ở Đức cũng sẵn sàng tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân Italia và vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Đức tới đây.
Châu Mỹ
Trong một cảnh báo mới nhất, WHO cho rằng Mỹ có thể trở thành tâm dịch tiếp theo của thế giới. Số ca mắc Covid-19 của nước này đã tăng lên 53.013 người, 685 bệnh nhân tử vong. Thị trưởng thủ đô Washington D.C Muriel Bowser cho biết sẽ chỉ thị đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu như các tiệm làm tóc, xăm, thuộc da…
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo, các biện pháp phong tỏa có thể phá hủy đất nước. Ông cũng cho biết vào tuần tới sẽ đánh giá liệu có nên dỡ bỏ các biện pháp cách ly và duy trì cách ly xã hội nhằm đưa nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn quay trở lại đúng hướng. Ngoài ra, ông Trump cũng mong muốn các doanh nghiệp Mỹ mở cửa trở lại vào dịp Lễ Phục sinh, tức ngày 12-4.
Trong khi đó, một báo cáo mới từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ ra rằng vi rút corona chủng mới có thể tồn tại trên một số bề mặt lâu hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Nghiên cứu được công bố trên trang web của CDC nêu rõ SARS-CoV-2 được tìm thấy sống sót trên các bề mặt trên tàu du lịch Diamond Princess tới 17 ngày sau khi hành khách rời khỏi con tàu.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, những dữ liệu này không nên được sử dụng để xác định xem có xảy ra sự lây truyền từ các bề mặt bị ô nhiễm hay không.
Châu Á
Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia (BUMN) đang lên kế hoạch chuyển đổi các công trình hiện có thành bệnh viện dã chiến để chữa trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Một quan chức thuộc BUMN cho biết, dự án biến một làng thể thao ở thủ đô Jakarta thành bệnh viện chữa trị Covid-19 sẽ được nhân rộng tại các tỉnh, thành khác trong cả nước, trong đó có Bandung, Semarang và Surabaya. Ngoài ra, BUMN cũng sẽ hợp tác với Bộ Tôn giáo nhằm chuyển đổi một số ký túc xá của các cơ sở giáo dục Hồi giáo tại một số khu vực thành bệnh viện dã chiến.
Các nhà khoa học mới đây cảnh báo Indonesia có thể ghi nhận 71.000 ca mắc Covid-19 vào cuối tháng 4 nếu chính quyền không thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh. Số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng một tuần qua, từ mức 172 trường hợp hôm 17-3 lên 686 trường hợp trong ngày 24-3, trong đó có 55 ca tử vong. Đại dịch cũng đã lan đến ít nhất 22 trong số 34 tỉnh, thành của quốc gia này.
Cùng ngày, Malaysia đã thảo luận với Chính phủ Trung Quốc, đề nghị Bắc Kinh gửi các chuyên gia y tế đến giúp đối phó với dịch bệnh.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Tun Hussein cho hay, trước mắt các chuyên gia y tế tại 26 bệnh viện lớn ở Malaysia sẽ có cuộc thảo luận trực tuyến với các đối tác Trung Quốc trong ngày 26-3 để chia sẻ kinh nghiệm về cuộc chiến chống dịch Covid-19. Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 1.624 ca mắc Covid-19, trong đó 183 trường hợp đã bình phục, 16 trường hợp tử vong.
Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố thi hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ 0h ngày 25-3 (giờ địa phương) nhằm siết chặt việc di chuyển của người dân để ngăn sự lây lan của dịch Covid-19 đang có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát. Lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài 21 ngày.
Theo quyết định trên, khoảng 1,3 tỷ dân Ấn Độ sẽ phải ở trong nhà, thực hành giãn cách xã hội, các cơ sở công cộng, vui chơi giải trí sẽ tạm thời đóng cửa. Đây là lần thứ hai trong vòng 3 ngày qua, các nhà chức trách Ấn Độ ban bố lệnh hạn chế sự di chuyển của người dân, với mức độ giới nghiêm ngày càng tăng. Hiện nước này có 536 người mắc Covid-19, 10 ca tử vong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.