(HNM) - Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang xoay quanh 3 trụ cột cốt lõi là nhân lực, công nghệ và tài chính. Đây là nhận định của nhiều nhà quản lý, nhà đầu tư và doanh nghiệp qua các hoạt động của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia diễn ra nhiều tháng qua. Trong đó, những xu hướng mới trong khởi nghiệp công nghệ cũng như sự dịch chuyển nguồn lực đang đem lại những cơ hội và cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.
Nhiều xu hướng
Theo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất, mục tiêu của các hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà Bộ tập trung hướng tới trong năm 2019 là mang được càng nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế đến cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam càng tốt. Những nguồn lực đó gồm có con người, trí tuệ, kinh nghiệm, nhà đầu tư... Cùng với đó, nguồn lực về công nghệ là yếu tố được chú trọng với những giải pháp, nền tảng công nghệ hay và tốt, những mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ.
Chia sẻ về những vấn đề công nghệ trong tương lai mà các nhà khởi nghiệp cần lưu ý, Giám đốc VinTech City Trương Lý Hoàng Phi cho rằng, xu hướng “hot” trong thời gian tới là cá nhân hóa. Khi mọi người đều muốn sản phẩm của mình là độc nhất, thì phải làm thế nào “siêu cá nhân hóa” cho người sử dụng cuối cùng. Doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) nên đầu tư sâu hơn vào phần lõi, phải tập trung nhiều cho giai đoạn nghiên cứu và phát triển (R&D). Nếu đầu tư nhiều cho phần lõi, thì các công ty khác sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể sao chép được mô hình và sản phẩm. Đến lúc đó, doanh nghiệp sở hữu phần lõi đã có thể tiến rất xa. Chính vì vậy, xu hướng “hot” trong thời gian tới là đầu tư, sở hữu nền tảng công nghệ sâu như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình chỉ ra hai xu hướng sẽ nổi lên trong thời gian tới. Thứ nhất, trong cơn sốt về chuyển đổi số như hiện nay, nhận thức về ứng dụng công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ. Do vậy, mô hình kinh doanh B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp), B2G (doanh nghiệp tới Chính phủ) trên nền tảng điện toán đám mây là xu hướng chủ đạo. Thứ hai là xu hướng “làm cho dữ liệu lên tiếng”, có nghĩa là vận dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định nhằm tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp.
Tăng cường đầu tư, hỗ trợ
Trong thế giới phẳng, các nguồn lực, từ con người đến tài chính và thông tin đang dịch chuyển trên khắp thế giới. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp xác định, Việt Nam chắc chắn phải mở cửa cho các công ty nước ngoài, từ đó sẽ đem đến những thách thức vô cùng lớn.
Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình lo ngại khi dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng, đặc biệt trong mảng công nghệ, dòng tiền đó có thể sẽ đổ vào startup của nước ngoài, thay vì đầu tư vào startup Việt. Như vậy, thị trường Việt Nam có thể bị xâm chiếm, khi đó các startup Việt không những không được lợi ích gì mà ngược lại, phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt. Đơn cử như câu chuyện của Lazada hay Shopee vào Việt Nam với số vốn khổng lồ, lấn át các doanh nghiệp Việt ngay trên sân nhà. Hay câu chuyện cạnh tranh về nguồn lực công nghệ. Trước đây, startup Việt đã phải cạnh tranh với các doanh nghiệp gia công cho nước ngoài, thì nay phải đối mặt với sự xuất hiện của các “ông lớn” nước ngoài đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam. Điều này gây ra những lo ngại về vấn đề chuyển dịch chất xám, khi các công ty nước ngoài trả lương cao, thậm chí cấp "thẻ xanh" cho các kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam.
Còn theo Giám đốc VinTech City Trương Lý Hoàng Phi, những thách thức đó sẽ mang lại nhiều cơ hội mà các doanh nghiệp cần nắm lấy. Nếu họ làm tốt, những tên tuổi lớn sẽ phải dè chừng và bắt tay hợp tác. Để làm được điều này, bà Trương Lý Hoàng Phi cho rằng, đã đến lúc phải đầu tư nhiều hơn cho con người và cho công tác nghiên cứu, phát triển hơn là chỉ biết nhìn vào những mô hình đã thành công.
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Phạm Hồng Quất cho biết, điều đáng mừng là các startup Việt đã nhận được sự đầu tư của hơn 60 quỹ đầu tư khác nhau. Nhiều tập đoàn lớn trong nước bắt đầu đầu tư, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp như: Tập đoàn Vingroup, Viettel, CMC và không ít quỹ đầu tư được thành lập: Vintech Fund, CMC Fund... Thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, startup Việt nhận được khoảng 500 triệu USD đầu tư. Đây là con số được công bố, thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Điều đáng nói, các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế không chỉ quan tâm đến đầu tư, mà còn quan tâm đến đào tạo, kết nối, đồng hành cùng các startup Việt.
“Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang hợp tác với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) để giới thiệu các Việt kiều tâm huyết với đất nước quan tâm tới các đối tác trong nước. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tổ chức các chuyến tham quan đến những nơi như Silicon Valley ở Mỹ cho đại diện cộng đồng khởi nghiệp trong nước học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp”, ông Phạm Hồng Quất cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.