(HNM) - Tại TP Hồ Chí Minh, bên cạnh bệnh sởi, các dịch bệnh khác cũng đang hoành hành bởi hiện tại đang là thời điểm giao mùa, mối nguy dịch chồng dịch lại càng tăng khi vắc xin không còn…
Vào "mùa" bệnh
Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, sáng 6-5 ngột ngạt bởi bệnh nhân và người nhà nằm, ngồi la liệt ở hành lang. Cầm quạt giấy quạt cho con đang nằm thiêm thiếp ở hành lang, chị Võ Thị Minh Thùy (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, bé trai con chị, mới 1,5 tháng tuổi, bị viêm não Nhật Bản. Bé nằm viện được 7 ngày, đã bớt sốt so với trước. Cũng thiêm thiếp ở hành lang, bé Nguyễn Thị Tường Vy, 24 tháng tuổi (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) nhập viện đã 3 ngày nay vì bệnh tay chân miệng (TCM). Thân nhân cháu Tường Vy cho biết đã được bệnh viện "xếp giường" nhưng họ đưa bé ra nằm ở hành lang "khỏe hơn" vì mỗi giường có tới 3-4 bé rất chật chội, ngột ngạt.
Tình cảnh tại Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1. |
Đáng chú ý, một số bé bị TCM không phải lần đầu. Bé trai Dương Minh Khang (quận 11, TP Hồ Chí Minh) chỉ mới 11 tháng tuổi nhưng đã hai lần nhập viện đều vì TCM. Mẹ cháu cho biết, khi bé xuất viện lần đầu (chỉ mới cách đây khoảng 2 tháng), bác sĩ dặn dò phải cho bé ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ kể cả đồ chơi cũng phải được làm vệ sinh bằng nước sôi. Chị đã làm đúng như lời dặn nhưng bé vẫn bị và phải nhập viện cách đây một ngày.
Trong khi bệnh TCM đang "tấn công" trẻ em thì bệnh thủy đậu lại "càn quét" cả trẻ em và người lớn. Chỉ trong tháng 4, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã khám cho hơn 3.000 ca bệnh thủy đậu. Số bệnh nhân phải nhập viện trong tháng 4 năm nay là 75 ca, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013. Theo các bác sĩ, đa số bệnh nhân bị thủy đậu được hướng dẫn, điều trị cách ly ngoại trú, còn đã phải nhập viện ở Bệnh viện Nhiệt đới được coi là bệnh nặng. Từ đầu năm tới nay, bệnh viện đã điều trị cho 4 ca thủy đậu bị biến chứng, trong khi đó năm 2013 là 1 ca. Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh của BV Nhi đồng 1, mỗi ngày cũng có khoảng 50 trẻ đến thăm khám thủy đậu. Trong ngày 6-5, có hơn 20 trẻ bị bệnh thủy đậu đang nằm viện điều trị, trong đó có 2 trẻ bị biến chứng viêm phổi.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay đã có hơn 2.800 trẻ mắc TCM; thời gian gần đây, trung bình mỗi tuần có khoảng 200 ca nhập viện. Về bệnh thủy đậu, hơn 400 ca trẻ mắc bệnh phải nhập viện từ đầu năm đến nay, hiện mỗi tuần có tới 40-50 ca nhập viện.
Chưa biết khi nào có vắc xin!
Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, hiện bệnh sởi đã "hạ nhiệt" nhưng nguy cơ bùng phát các bệnh khác như TCM, thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… rất lớn, đặc biệt là trẻ em. Điều đáng lo lắng là một số bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện, điều trị kịp thời như TCM đang bùng phát mạnh thì lại chưa có vắc xin để phòng bệnh. Còn bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm lây lan rất nhanh qua đường hô hấp cũng đang ngày càng gia tăng nhưng vắc xin ngừa bệnh lại hết sạch từ lâu. Ghi nhận tại Viện Pasteur trong ngày 6-5, có rất nhiều người lớn và trẻ em đến chích vắc xin ngừa thủy đậu nhưng được thông báo hết và… chưa biết khi nào có!
Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới, các tháng 5, 6 và 7 là vào thời điểm giao mùa và dịch bệnh thường hay bùng phát. Bên cạnh biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin, các gia đình cần chủ động phòng bệnh trong sinh hoạt hằng ngày. Ví dụ, muỗi có thể truyền bệnh viêm não Nhật Bản nên trong sinh hoạt hằng ngày cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng đãng, loại bỏ các ổ nước tù đọng xung quanh; nên phun thuốc diệt muỗi và khi ngủ phải mắc màn. Ngoài các biện pháp phòng bệnh trên, trong thời tiết nắng nóng hiện nay, người dân phải hết sức chú ý bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.