Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch bệnh Ebola bùng phát: Nỗi ám ảnh toàn cầu

Thùy Dương| 18/08/2014 06:19

(HNM) - Có vẻ như căn bệnh xuất huyết Ebola xuất phát từ Châu Phi đang trở thành nỗi ám ảnh toàn cầu bởi tốc độ phát triển chóng mặt của một dịch bệnh chưa có thuốc chữa trị.


Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 15-8, số người chết trong đợt bùng phát dịch bệnh Ebola nghiêm trọng nhất ở 4 nước miền Tây Châu Phi (gồm: Sierra Leone, Liberia, Guinea và Nigeria) đã tăng lên 1.145 người và 2.127 người bị nhiễm bệnh, buộc WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Tổ chức Các bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết, sẽ phải mất ít nhất 6 tháng nữa mới có thể kiểm soát được cơn dịch Ebola ở Tây Phi. Thông tin này được Chủ tịch MSF, Gioan Liu đưa ra ngày 15-8 tại Geneva (Thụy Sĩ). Người đứng đầu của MSF khẳng định, cuộc khủng hoảng Ebola tại Tây Phi đang vượt quá năng lực của các tổ chức cứu trợ trong ngăn chặn dịch. Do vậy, MSF kêu gọi cộng đồng quốc tế, phải nỗ lực hơn nữa để kiểm soát dịch bệnh. 


Trước tình hình dịch bệnh Ebola ngày càng nguy hiểm và lan rộng, các nhà chức trách và y tế quan ngại Ebola sẽ trở thành một dịch bệnh toàn cầu bởi tình hình ở Châu Phi hiện tại có thể nói là ngoài tầm kiểm soát. Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật của Mỹ (CDC) Tom Frieden, dự báo trong vài tuần nữa, Ebola sẽ khiến nhiều người nữa mắc bệnh hơn so với tất cả các lần dịch bệnh trước đây gộp lại.

Hàng chục bệnh nhân Ebola trốn khỏi trung tâm cách ly ở Liberia

Ngày 17-8, một nhóm vũ trang tấn công một trung tâm cách ly bệnh nhân Ebola tại thủ đô Monrovia của Liberia và kích động 17 bệnh nhân bỏ trốn, trong khi thi thể của 12 bệnh nhân tử vong đã bị người thân mang đi. Theo Chủ tịch Hiệp hội Y bác sĩ Liberia George Williams, cơ sở y tế này có 29 bệnh nhân được xác nhận dương tính với virus Ebola và đang được điều trị tích cực tại đây trước khi chuyển tới bệnh viện.

Trước bối cảnh nan giải hiện nay, ngày 15-8 các Ngoại trưởng Liên minh Châu Âu (EU) họp bất thường đã kêu gọi thế giới đẩy mạnh nỗ lực chung để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong lên tới 90% này. Trong cuộc họp, EU đã cam kết hỗ trợ 11,9 triệu euro (tương đương 15,9 triệu USD) cho các nước có dịch. Cùng lúc, Chính phủ Nhật Bản cũng thông báo viện trợ khoảng 1,5 triệu USD cho các quốc gia Tây Phi để ứng phó với dịch bệnh Ebola... Để ngăn đà lây nhiễm trong khi vắc xin hiệu quả chống Ebola đầu tiên sớm nhất cũng phải đến năm 2015 mới có, WHO hiện đang tập trung hỗ trợ các nước có dịch Ebola với hệ thống y tế yếu kém.

Trong nỗ lực chống dịch Ebola lan rộng, thêm nhiều hãng hàng không tiếp tục hủy các chuyến bay đến và đi từ Tây Phi. Lệnh cấm du khách đến từ Sierra Leone, Guinea và Liberia của Kenya không áp dụng với các nhân viên y tế hỗ trợ kiềm chế dịch bệnh Ebola cũng như công dân Kenya trở về từ 3 nước trên. Theo tin mới nhất tối 16-8, Chính phủ Nigeria công bố bệnh nhân nhiễm virus Ebola đầu tiên của nước này đã bình phục hoàn toàn và xuất viện. Bộ trưởng Y tế Nigeria Onyebuchi Chukwu cho biết, 5 bệnh nhân khác nhiễm virus Ebola cũng gần như bình phục. Ở Nigeria hiện có 12 ca nhiễm virus Ebola, trong đó 4 ca đã tử vong. Để ngăn chặn lây lan, các nhân viên y tế đang theo dõi chặt 189 người ở Lagos và 6 người ở bang Enugu phía Đông - Nam là những người từng tiếp xúc gián tiếp với bệnh nhân nhiễm virus Ebola. Thế nhưng, các chuyên gia y tế thế giới khẳng định, virus Ebola không đáng sợ như người ta tưởng, vì lý do: Ebola không dễ lây lan như virus cảm lạnh hay cúm. Nó chỉ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể như máu, nước bọt, mồ hôi và nước tiểu; số tử vong chưa phải là lớn; y học hiện đại biết cách ngăn chặn Ebola. Quy trình đúng đắn nhất hiện nay là tìm ra và cô lập bệnh nhân, theo dõi những người có thể đã tiếp xúc với người bệnh và bảo đảm chế độ kiểm soát nhiễm trùng nghiêm ngặt trong khi chăm sóc bệnh nhân. Những đợt bùng phát dịch Ebola trước đây đều được kiểm soát bằng quy trình đó. Hiện nay, dịch tiếp tục lan rộng tại Tây Phi, bởi đây là khu vực yếu kém về y tế, dịch bệnh lây lan trong chính bệnh viện do các thiết bị y tế như ống tiêm, dụng cụ phẫu thuật không được tiệt trùng đầy đủ đã đem đi tái sử dụng. Ngoài ra, hàng rào cách ly, yếu tố quan trọng nhất ở vùng dịch không được bảo đảm. Tóm lại, nếu đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn như vô trùng, cách ly và điều dưỡng đúng cách thì rủi ro trong điều trị bệnh nhân Ebola sẽ hoàn toàn kiểm soát được.

Rõ ràng, virus Ebola đang gây một trong những đại dịch đáng sợ ở Châu Phi và có nguy cơ lan rộng ra toàn cầu. Dẫu vậy, người dân không nên vì thế mà quá hoang mang và hoảng sợ. Thay vào đó, hãy giữ thái độ lạc quan và tuân thủ những khuyến cáo y tế của các cơ quan chức năng từ cấp cao đến cơ sở để phòng tránh sự lây nhiễm của virus này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch bệnh Ebola bùng phát: Nỗi ám ảnh toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.