(HNM) - Bất chấp Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhất trí chi 110 tỷ euro, tương đương 146 tỷ USD, để ngăn chặn khả năng vỡ nợ của Hy Lạp, giới đầu tư vẫn như ngồi trên đống lửa khi cho rằng khoản vay khổng lồ này không thể giải cứu một Hy Lạp trên thực tế đã vỡ nợ.
Trong khi đó, làn sóng phản đối chính sách "thắt lưng, buộc bụng" của Chính phủ đang có những diễn biến khôn lường, tiềm ẩn nguy cơ một cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia nằm bên bờ Địa Trung Hải này.
Khoảng 50.000 người dân Hy Lạp đổ xuống đường phố thủ đô Athens hôm 5/5 để phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng mà chính phủ dự định thông qua vào cuối tuần này. Ảnh: Reuters |
Ngày 6-5, các đơn vị quân đội xung quanh thủ đô Athens của Hy Lạp đã được đặt trong tình trạng báo động sau khi xảy ra vụ tấn công bằng bom làm 3 người thiệt mạng và các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình. Trong khi đó, nhân viên và công nhân đồng loạt nghỉ việc trong cuộc tổng đình công 24 giờ trên phạm vi toàn quốc. Đây là cuộc tổng đình công thứ ba ở Hy Lạp kể từ khi nước này lâm vào khủng hoảng nợ. Tình trạng bạo lực tại Athens gia tăng sau khi Chính phủ công bố đợt cắt giảm ngân sách và chi tiêu thứ hai, đóng băng lương thưởng và tăng thuế để có thể nhận được gói giải cứu từ EU và IMF. Các biện pháp ngặt nghèo này đến trước cứu trợ, có thể sẽ là liều thuốc gây "sốc" với bệnh nhân yếu đuối Hy Lạp, hiện đang phải gánh trên vai khối nợ khổng lồ 300 tỷ euro. Vì cắt giảm ngân sách quá mạnh tay đồng nghĩa với tăng trưởng thấp hoặc âm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và khiến tình trạng giảm phát càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các biện pháp "thắt lưng, buộc bụng" được dân chúng Hy Lạp cho là quá khắc nghiệt sẽ khuyến khích phong trào đình công lan rộng trên toàn quốc. Đây sẽ là nguyên cớ đẩy nền kinh tế Hy Lạp đang ở thế chênh vênh đến gần hơn bờ vực thẳm.
Điều mà giới đầu tư lo lắng là cuộc khủng hoảng nợ công của Athens sẽ lan rộng sang các "nước yếu" ở châu Âu. Theo nhiều chuyên gia, sau Hy Lạp, quốc gia có khả năng "lâm nạn" cao nhất là Tây Ban Nha, đất nước đang chìm sâu trong suy thoái. Với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20%, thâm hụt ngân sách trên 10% GDP và nền kinh tế có thể suy giảm 0,4% trong năm 2010, Madrid sẽ dễ dàng bị đẩy vào chân tường nếu các nhà đầu tư lạnh nhạt trước những đợt phát hành trái phiếu trị giá 85 tỷ euro của nước này trong năm nay. Quốc gia láng giềng của Tây Ban Nha là Bồ Đào Nha cũng là một mắt xích dễ đứt. Với thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại đều ở mức cao, cộng với tỷ lệ tiết kiệm nội địa thấp, Bồ Đào Nha đã và đang đặt số phận vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả Anh, một nền kinh tế trụ cột của châu Âu cũng có nguy cơ trở thành nước có mức thâm hụt ngân sách cao nhất EU khi cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra ngày 5-5 cho rằng, mức thâm hụt của quốc đảo này có thể lên tới 12% GDP trong những ngày tới.
Hiện tại, dù các nền kinh tế như Đức, Pháp vẫn được cho là tương đối vững trước lo ngại về sự lây lan của cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp; song, các thị trường tài chính lại hiển thị dấu hiệu không vững tin. Tỷ giá đồng euro so với đồng USD vừa tụt xuống mức thấp nhất trong vòng một năm qua khi 1 euro chỉ đổi được 1,2935 USD. Đây cũng là lần đầu tiên thị trường chứng khoán New York (Mỹ) vấp phải hiệu ứng ngược khi thị trường chứng khoán châu Âu chao đảo. Giới tài chính quốc tế cho rằng, các khoản nợ liên đới trong hệ thống ngân hàng châu Âu đang đứng trước nguy cơ của một phản ứng dây chuyền. Và khi mắt xích như Tây Ban Nha chẳng hạn, gặp khó khăn và đổ bể sẽ gây cơn "địa chấn" tài chính trên toàn lục địa.
Hôm nay (7-5), lãnh đạo các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ nhóm họp bất thường tại Brussels (Bỉ) để một lần nữa cụ thể hóa cuộc giải ngân cứu Hy Lạp. Tiếp theo, trong 72 giờ tới, EU dự kiến sẽ nhóm họp bất thường một lần nữa cũng để bàn về vấn đề này. Đây là hai cuộc gặp chưa từng được biết đến trong lịch sử EU. Rõ ràng, cuộc khủng hoảng bên bờ Địa Trung Hải mang tên Hy Lạp đang buộc lục địa già phải đối mặt với một mùa hè đầy sóng to gió lớn về tài chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.