(HNM) - Chính phủ vừa tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện thí điểm đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên toàn quốc. Đây là đề án lớn, với mục tiêu tạo việc làm cho hàng triệu lao động mỗi năm, cũng là bước đột phá trong các chính sách an sinh xã hội.
Học nghề thủ công đan, móc sợi xuất khẩu tại Đông Hưng (Thái Bình). Ảnh: Dương Ngọc |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn", năm 2010, 21.178 lao động trên địa bàn cả nước đã được đào tạo nghề. Ngoài ra, nguồn kinh phí của đề án đã hỗ trợ dạy nghề cho hơn 345.000 người bằng hình thức phát hành thẻ học nghề, trong đó có 48% lao động học nghề liên quan đến nông - lâm - ngư nghiệp. Với hình thức hỗ trợ này, mỗi lao động thuộc diện thụ hưởng đề án được cấp 1 thẻ có giá trị từ 2 đến 3 triệu đồng cho một khóa học.
Theo Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều, hiện nay tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo quá thấp. Hầu hết nông dân còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, chủ yếu làm việc dựa trên kinh nghiệm cá nhân, do đó, năng suất lao động thấp, giá trị gia tăng các sản phẩm hàng hóa chưa tương xứng với thời gian và chi phí lao động. Vì vậy, số lượng nông dân và người trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề và chuyển đổi nghề rất lớn. Thế nhưng hệ thống cơ sở dạy nghề chỉ tập trung ở khu vực đô thị. Cơ cấu trình độ đào tạo nghề, cơ cấu ngành nghề đào tạo cho nông dân còn chưa phù hợp, chưa bổ sung nghề mới theo yêu cầu của thị trường đã dẫn tới việc một số lao động sau khi học nghề không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, không tìm được việc làm theo ngành nghề đào tạo.
Cũng theo ông Lều Vũ Điều, mặc dù nhằm bảo đảm hệ thống đào tạo nghề rộng khắp các huyện song không nhất thiết phải xây dựng mỗi huyện một trung tâm dạy nghề. Đối với các huyện kinh tế còn khó khăn, dân số ít thì có thể gắn với các hoạt động kinh tế xã hội và đào tạo khác trên địa bàn nhằm tránh lãng phí không cần thiết. Thậm chí, có thể gửi vào đào tạo tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Còn theo báo cáo của các địa phương, việc thực hiện đề án khó nhất là tìm ra được mô hình hợp lý với điều kiện kinh tế xã hội để người lao động yên tâm học tập, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm bền vững. Giải quyết vấn đề này, tỉnh Lào Cai đã thực hiện thành công mô hình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Trước khi đào tạo nghề cho người lao động, UBND tỉnh Lào Cai đã khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo nhu cầu sử dụng nhân lực của mình. Trên cơ sở đó, các đơn vị chức năng mới tổ chức đào tạo nghề cho người lao động. Vì vậy, mặc dù năm 2010 được coi là thí điểm nhưng Lào Cai đã đào tạo và giới thiệu việc làm cho trên 1.000 người theo chương trình của đề án. Mô hình đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp này đang phát huy hiệu quả đối với các tỉnh phát triển công nghiệp.
Như vậy có thể thấy, không thể áp dụng một mô hình cụ thể vào các địa phương khác nhau. Mỗi tỉnh phải tự tìm cho mình một mô hình thích hợp theo điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Còn là mô hình nào, học nghề gì, cơ hội việc làm ra sao thì cơ quan chức năng phải định hướng sau khi có thông tin cơ bản về thị trường lao động. Chỉ có như thế đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới phát huy được hiệu quả, thực sự là một chính sách an sinh xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.