(HNMCT) - Đồng nghiệp đàn anh rủ lên Sóc Sơn thăm trang trại người quen, thú thật là ngồi trên xe rồi mà tôi không mấy hào hứng. Mười mấy năm gắn bó với vùng đồi gò, đi mòn cả lốp để viết mấy loạt bài về chuyện “xẻ thịt” đất rừng, tôi còn lạ gì những trang trại, nhà vườn trên này, không của các “đại gia” nhà giàu thì cũng giới quan chức hoặc văn nghệ sỹ “có máu mặt”...
Nói thẳng ra, họ mua đất nhằm đầu cơ bất động sản là chính, nếu có xây dựng trang trại cũng để thỏa mãn một thú chơi thời thượng, chứ mấy ai đầu tư với mục đích trồng trọt chăn nuôi, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đâu…
Anh Nguyễn Đại Thắng ngồi xuống nền chuồng lợn minh chứng cho tác dụng của chế phẩm men vi sinh đặc biệt có tên là E.M. |
Trang trại “ba không”
Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, theo đà đô thị hóa, “cơn sốt” đất rừng Sóc Sơn âm ỉ từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước rồi bùng lên đỉnh điểm quãng năm 2000- 2002. Ven các hồ Đồng Quan, Đồng Đò, Đồng Trầm, Kèo Cà…, khu vực quanh chân núi các xã Hiền Ninh, Quang Tiến, Tiên Dược, Phù Linh, đặc biệt là trong Minh Phú, Minh Trí, đều bị tầng tầng lớp lớp trang trại, nhà vườn quây kín. Hàng nghìn héc ta- chủ yếu là đất lâm nghiệp- bị lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng, xây dựng trái phép, biến công thổ quốc gia thành lãnh địa riêng. Khốn nỗi, trong số ấy có bao nhiêu diện tích được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích làm trang trại nhằm xóa đói giảm nghèo, phát triển trồng trọt, chăn nuôi? Thực tế thì người ta “ôm” đất rừng để đầu cơ là chính, không ít người đã đầu tư làm trang trại, nhà vườn để mỗi cuối tuần lại hỉ hả đưa gia đình “bỏ phố lên rừng” nghỉ ngơi như một thú chơi thời thượng. Nói thế chứ cũng có một số (rất ít), đã đầu tư vào sản xuất, canh tác cây trồng vật nuôi này nọ, nhưng hiệu quả èo uột lắm.
Quá trình tìm hiểu thực tế để viết về chuyện “xẻ thịt” đất rừng, tôi may mắn được ông Giám đốc Lâm trường Sóc Sơn (giờ đã nghỉ hưu) “gieo” vào đầu chút kiến thức lâm học, nhờ thế cũng hiểu phần nào cái gọi là “diễn thế rừng”- tức là quá trình phát triển rừng từ cổ xưa trải qua hàng triệu năm đến nay- là một đồ thị theo chiều đi xuống. Chủ yếu do con người tác động, nên từ những bạt ngàn lim, dẻ… mà trở thành bụi cây, trảng cỏ, xuống cấp nữa là đất trồng đồi trọc. Thực tế thì rừng Sóc Sơn đang ở đáy cái parabôn này. Đất đai bạc màu, đã nghèo dinh dưỡng lại khô hạn, nên không mấy khó hiểu vì sao những cây vải tuy được trồng khá nhiều ở các trang trại trên này nhưng phần lớn đều cằn cỗi, xác xơ; nếu có ra quả cũng lác đác, chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái...
Lan man thế để lý giải vì sao tôi ngỡ ngàng khi đứng giữa hàng trăm con lợn nái lợn giống ụt ịt, cũng như bên dãy chuồng nuôi cả vạn con gà giống Ai-cập đang lục cục mổ thức ăn, đều không ngửi phải mùi xú uế cũng chẳng có đám ruồi nhặng vo ve vốn thường thấy ở các chuồng trại chăn nuôi. Và đám khách thực sự “sốc” khi chứng kiến ông chủ trang trại Nguyễn Đại Thắng quỳ hẳn gối xuống nền chuồng, tay bốc một nắm đen đen dưới chân mấy con lợn rồi tãi ra trước khi đưa cho khách… ngửi. Cũng tịnh không mùi gì! Đoạn, ông Thắng đứng dậy, phủi quần rồi buông một câu “xanh rờn”: “Trang trại của tôi là trang trại “ba không”, tức là không chất thải, không khí thải và không hủy hoại môi trường”.
Thấy khách còn bán tin bán nghi, ông Thắng giải thích: Nền chuồng được “trải đệm” bằng hỗn hợp gồm đất sét khô, mùn cưa và chế phẩm men vi sinh đặc biệt có tên là E.M, cộng với một số loại muối tạo khoáng gì gì đó. Men vi sinh E.M sẽ phân hủy tất tật vi khuẩn lớn bé trong chất thải của gia súc gia cầm, thế nên không những không có mùi xú uế mà còn không tạo ra khí CO2 gây hại cho môi trường, để lưu cữu nhiều năm không cần phải dọn dẹp, thay “đệm”. E.M có trong nền chuồng nên đàn lợn không cần tắm vẫn sạch, không hôi (!). Do không phải láng nền xi măng nên đỡ tốn chi phí đầu tư và nhân công. Không những thế, chưa nói đến hàng trăm đầu lợn mà 1 vạn con gà kia ít nhất cũng thải 2 tấn phân mỗi ngày, nếu không có “tấm đệm” đặc biệt này thì những công dọn đã ốm người, chưa kể tốn 400-500 khối nước/ngày để vệ sinh chuồng trại. Tiết kiệm nhân lực đã đành, nhưng đặc biệt việc hạn chế sử dụng nước sạch, nguồn tài nguyên quý của nhân loại đang ngày càng có nguy cơ cạn kiệt, đồng nghĩa với việc hạn chế xả nước thải, như thế chẳng phải “không hủy hoại môi trường” là gì? Ông Thắng còn dùng E.M để ủ thức ăn lên men cho lợn gà, giảm được 20- 30% chi phí đầu vào. Việc sử dụng E.M làm “đệm” tạo môi trường kháng khuẩn trong chuồng trại và dùng để chế biến thức ăn cho lợn gà, đã giảm nguy cơ dịch bệnh so với phương thức chăn nuôi truyền thống. Ông Thắng bảo: “Tôi sử dụng E.M từ 2 năm nay, nhưng đàn lợn chưa bị long móng, lở mồm bao giờ”.
“Thần dược” cứu trái đất?
Nhìn bề ngoài ông Thắng trẻ hơn nhiều so với tuổi ngấp nghé lục tuần, càng không có dáng một chủ trại chăn nuôi. Chẳng hiểu vì chuyện riêng tư nào đấy mà khoảng 4 năm trước, đang là Thượng tá, Giám đốc một công ty của quân đội, ông đã nghỉ hưu “non” để vui thú điền viên với khu đất rộng ngót 1 ha ở thôn Phú Nghĩa (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn). Ban đầu cũng định “chơi trang trại” như nhiều người khác, trồng tí rau xanh, nuôi ít gia cầm, nhưng rồi một bức thư điện tử cách đây 2 năm đã thay đổi tư duy của ông. Một người bạn, sau khi đọc cuốn sách “Hãy làm một cuộc cách mạng lớn cứu lấy trái đất” (bản tiếng Trung), thấy hay bèn dịch ra tiếng Việt rồi gửi email cho ông Thắng.
Tác giả cuốn sách, giáo sư Higateruo, sinh năm 1941 ở Okinaoa (Nhật Bản), từ nhỏ đã say mê nông nghiệp. Tốt nghiệp Trường Trung học Nông Lâm, ông học Trường Đại học Kyushu rồi trở thành giáo sư nông học của Trường ĐH Lưu Cầu. Ông chịu đựng bao vất vả, khó khăn, không ngừng nghiên cứu để quyết tâm cải cách nền nông nghiệp Nhật Bản. Tin vào tác dụng của phân hóa học và thuốc trừ sâu, song ông nhận thấy việc lạm dụng chúng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường sinh thái cũng như sự phát triển của nhân loại. Ông bắt tay vào nghiên cứu E.M (Effective Microoganism- quần thể vi sinh vật hữu hiệu) và tác dụng của chúng đối với nông nghiệp, từng sang Trung Đông thí điểm trồng rau quả ở sa mạc. Sau khi về nước, ông tiếp tục nghiên cứu thêm, đến năm 1978 thì công trình nghiên cứu E.M hoàn thành, được ứng dụng thành công tại các khu vườn trồng hoa và rau quả ở Kyushu. Sự phổ cập kỹ thuật EM đạt hiệu quả đến mức, ruộng đồng không cần cày xới, không cần dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, nhưng một cây cà chua vẫn kết 16 quả, dưa chuột ra hoa trên từng đốt, mỗi đốt bình quân kết 6 trái, mỗi cây cà có thể kết 150 trái; thậm chí phân gà dùng làm thức ăn nuôi lợn (!?); còn phân và nước thải của gia súc (lợn, cừu, trâu, bò) thì trở thành phân bón lót. Không chỉ tăng năng suất cây trồng vật nuôi, E.M còn làm cho chuồng lợn, chuồng gà, nhà xí không còn ruồi nhặng, không hôi thối. Đặc biệt, E.M có thể làm sạch môi trường không khí, bảo đảm sức khoẻ và tăng tuổi thọ cho con người.
Việc sử dụng E.M không chỉ làm cho chuồng lợn, chuồng gà... không còn ruồi nhặng, không hôi thối mà còn làm sạch môi trường không khí. |
Thành quả nghiên cứu về E.M đã gây xôn xao giới khoa học tại Hội nghị quốc tế nông nghiệp hữu cơ thế giới lần thứ 6 tổ chức ở California (Mỹ) năm 1986, rồi nhanh chóng phổ cập ở Braxin (1993), Pháp (1995), châu Phi (1997), Trung Quốc (1999), Nga (2001)... và hiện được ứng dụng tại hơn 150 nước trên thế giới. Giới khoa học đánh giá, đây là cống hiến to lớn của giáo sư Higateruo, bởi kỹ thuật E.M sẽ cứu trái đất khỏi thảm họa môi trường, tiêu diệt nạn đói nghèo, tạo ra một công viên sinh thái toàn cầu…
Lời giải cho bài toán “tam nông”
Ở Việt Nam, E.M được biết đến khá sớm- từ những năm 90 thế kỷ trước- nhưng ứng dụng rất hạn chế (sản phẩm men vi sinh thông tắc bể phốt, xử lý rác thải…). Ông Thắng cũng đã từng tiếp cận đề tài nghiên cứu ứng dụng chế phẩm vi sinh của trường ĐH Nông nghiệp I. Bản thân ông đã mua E.M về dùng thử (lúc đó trang trại mới có khoảng trăm con gà) và thấy hiệu quả ngay: Gà chóng lớn, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là chi phí đầu vào giảm hẳn. Sau khi có tài liệu, được sự hỗ trợ của nhiều nhà khoa học, ông đã mày mò nghiên cứu, tìm ra công thức trộn E.M với một số phụ gia làm “đệm lót” chuồng trại, ứng dụng rất hiệu quả trong chăn nuôi đại trà, càng phù hợp với mô hình chăn nuôi hộ gia đình, quy mô nhỏ, bởi ưu điểm không mùi, không rác thải, không gây ô nhiễm không khí và nguồn nước sinh hoạt của khu dân cư, đặc biệt là rất dễ làm, chi phí thấp. Nghe thì đơn giản, nhưng thực tế thì… Hồi ấy, thấy ông Thắng hì hụi nghiên cứu rồi đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô, nhiều người thân đã kịch liệt phản đối: “Làm chơi chơi thì được, chứ thời buổi này có điên mới ném tiền vào nông nghiệp”. Một người cháu, tiến sỹ kinh tế hẳn hoi, còn bảo: “Tỉền ấy chú đem gửi tiết kiệm, lấy lãi tiêu cho sướng”. Nhưng rồi, việc ông Thắng ứng dụng E.M vào mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả, năng suất, chất lượng đã xóa đi mọi nỗi nghi ngờ. Các chuyên gia ở Trung tâm phát triển công nghệ Việt- Nhật sau khi tham quan trang trại đã khẳng định: Ông Thắng là người đầu tiên ứng dụng thành công chế phẩm men vi sinh E.M trong lĩnh vực chăn nuôi ở Việt Nam.
Bữa trưa toàn những món “nhà trồng được”, món thịt gà luộc và trứng đều đậm đà, rau muống xào ngon nõn, còn dưa chuột thì mơn mởn, to khác thường nhờ bón “phân” E.M. Bạn chủ nhà, cũng là chủ một trang trại ở Sóc Sơn, than chuyện loay hoay làm trang trại mười mấy năm nay, song kết quả thì… Ông Thắng bảo: “Mong các cơ quan chức năng và giới khoa học “vào cuộc” nghiên cứu, đánh giá mô hình ứng dụng chế phẩm E.M của tôi, để có thể phổ biến cho bà con nông dân cả nước”.
Nghe vậy mà chợt mừng, bởi nếu chế phẩm E.M được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của nông nghiệp và môi trường, thì chả cứ giới chủ trang trại ở Sóc Sơn, Ba Vì, Lương Sơn… đang “khóc dở mếu dở” với bi kịch trang trại”, mà hàng chục triệu người nông dân Việt Nam sẽ luôn có những vụ mùa bội thu. Như thế chẳng phải là “lời giải” cho “bài toán” công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển “tam nông” nước nhà đó sao?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.