(HNM) - Một trong những cái được lớn nhất từ ngày bóng đá chuyên nghiệp xuất hiện ở Việt Nam là giá trị cầu thủ được nâng lên rõ rệt. Giá trị ấy, chỉ tính riêng ở những khoản
Cũng vì thế mà bóng đá Việt Nam những năm gần đây liên tục chứng kiến giá chuyển nhượng cầu thủ tăng vù vù. Không còn những mức lót tay vài trăm triệu mà thay vào đó là những mức giá tiền tỷ. Ngày trước, vụ chuyển nhượng Minh Phương từ Cảng Sài Gòn về Đồng Tâm Long An hay vụ Trần Trường Giang từ Tiền Giang về Bình Dương được coi là lớn thì đến năm 2009, 2010 nó chỉ còn là chuyện nhỏ, kể cả khi tính đến yếu tố trượt giá. Chỉ riêng trong giới cầu thủ nội, đã có những vụ lót tay lên đến cả chục tỉ đồng để cầu thủ chuyển đến CLB mới. Những Quang Hải, Công Vinh, Việt Thắng, Như Thành… đã khiến các ông bầu bỏ không ít tiền để nâng cao thành tích đội nhà. Ai cũng hiểu, những cầu thủ nhận tiền lót tay cao đều vào hạng có tài trong làng bóng đá nội. Làng bóng đá nội lại đang khan hiếm tài năng nên giá của họ lại càng cao.
Công Vinh (trái) là một trong số cầu thủ được nhiều ông bầu muốn có để nâng cao thành tích đội nhà. Ảnh: Thế Ngọc |
Thế nhưng, đã nhiều chuyên gia phải tự hỏi rằng, giá trị thật của cầu thủ Việt Nam có đến mức cao như vậy không? Đến bây giờ, người ta cũng phát hiện ra một điều rằng, ngoài việc bóng đá Việt khan hiếm tài năng khiến các ông bầu phải cắn răng chi tiền mua cầu thủ thì còn có vai trò các nhà môi giới cầu thủ. Ai cũng hiểu, tỷ lệ hoa hồng của người môi giới thường tỷ lệ thuận với giá chuyển nhượng cầu thủ. Khoản "tiền tấn" mà nhiều người biết đến sau mỗi phi vụ chuyển nhượng cầu thủ cũng bị chia năm xẻ bảy chứ không phải cầu thủ được hưởng hết. Biết vậy nhưng nhiều cầu thủ khác vẫn lấy đấy làm mốc để tự định giá cho mình.
Trong làng bóng đá Việt, giờ đây các ông bầu cũng có nhiều quan điểm khác nhau trong việc định giá cầu thủ. Người thì sẵn sàng mua cầu thủ hoặc ký hợp đồng gia hạn với cầu thủ mà không cần toan tính thiệt hơn. Người lại luôn cho rằng, giá trị cầu thủ Việt hiện nay đang bị thổi phồng quá đáng và không tham gia vào cuộc chạy đua tiền để có chữ ký cầu thủ. Từ trước đến nay, bầu Kiên vẫn quả quyết rằng giá trị cầu thủ Việt bị "thổi" lên một cách quá đáng. Cũng vì cách tính toán của mình mà bầu Kiên kiên quyết không nhân nhượng trong vụ việc của tiền vệ Đinh Thanh Trung. Tiền vệ này muốn tiền chuyển nhượng cao hơn trong khi bầu Kiên chỉ đồng ý ở mức 1 tỷ đồng/năm. Đó là cái mức mà ông bầu cho rằng phù hợp với tài năng của Đinh Thanh Trung. Khi cả hai bên không gặp nhau ở việc xác định giá trị của cầu thủ thì mới sinh ra những câu chuyện sau này: từ việc không thi đấu được cho CLB bóng đá Hà Nội đến việc Đinh Thanh Trung nhờ luật sư đấu lý với ông bầu để không bị ràng buộc với CLB Hà Nội nữa. Và vì vậy, chưa chắc Đinh Thanh Trung đã có thể đến CLB khác ngay trong kỳ chuyển nhượng giữa mùa tới hoặc được ký gia hạn với CLB Hà Nội với mức lót tay trên 1 tỷ đồng/năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.