(HNM) - Phản ánh đến Đường dây nóng Báo Hànộimới (0438247615 và 0984316316), một người dân đại diện dòng họ Phạm Đình, xã Lại Yên (Hoài Đức) cho biết: Lăng đá xóm Chợ (hay còn gọi là Lăng đá Huệ Linh) được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1964.
Cổng vào khu nhà bia bị lún, nghiêng, có nguy cơ đổ sập. |
Tìm hiểu được biết, Lăng đá xóm Chợ được xây dựng từ năm Vĩnh Thịnh thứ 9 (1713) thờ Quận công Phạm Mẫn Trực - vị đại thần có công với nước và dân làng Lại Yên thời Hậu Lê (cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII). Quan sát tại Lăng đá xóm Chợ, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, đây là di tích bằng đá có giá trị kiến trúc nghệ thuật đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Cổng đá Trung đường vào khu nhà bia thấp do bị lún, xiêu vẹo, nhiều đoạn nứt toác, phải chống đỡ, nguy cơ đổ sập rất cao. Hai con chó đá trước cổng cũng bị đất vùi lấp một nửa thân. Bên trong cổng, hai nhà bia tả, hữu với hai bức đá được chạm khắc tinh tế cũng xiêu vẹo không kém; một số phiến đá đã bị vỡ, mất hẳn, tạo thành những khoảng trống; mái nhà bia bị nứt toác từ lâu. Hai con voi đá nặng hàng tấn nay cũng bị đất vùi lấp khoảng 1/3. Khu vực mộ của cụ Phạm Mẫn Trực cũng bị lún nặng, nghiêng. Bức tường bao quanh khu mộ và nhà bia, nhiều đoạn đã bị nứt, nghiêng. Để "cứu" Lăng đá xóm Chợ trước nguy cơ đổ sập một số hạng mục, năm 2011-2012, dưới sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, dòng họ Phạm Đình và chính quyền địa phương đã tiến hành chằng chống tạm thời cổng vào khu nhà bia, hai nhà bia, tuy nhiên đến nay di tích vẫn xuống cấp nghiêm trọng.
Mặc dù đã được chằng chống nhưng hai nhà bia tại Lăng đá xóm Chợ vẫn xiêu vẹo. |
Trao đổi vấn đề này với ông Đỗ Văn Thúy, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoài Đức được biết, Lăng đá xóm Chợ là một trong 4 di tích lịch sử của xã Lại Yên được xếp hạng cấp quốc gia. Trước thực trạng di tích này ngày càng xuống cấp, ngày 21-2-2011, Bộ VH,TT&DL đã có Văn bản số 425/BVHTTDL về việc hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia, theo đó di tích được hỗ trợ 500 triệu đồng để tu bổ, tôn tạo. Căn cứ chủ trương của Bộ VH,TT&DL, UBND huyện Hoài Đức đã chấp thuận hỗ trợ 500 triệu đồng vốn đối ứng để thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích này. Tuy nhiên, thời điểm đó dòng họ Phạm Đình ở xã Lại Yên chưa có sự thống nhất để thực hiện dự án nên nguồn vốn trên đã bị thu hồi theo quy định.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước, ông Nguyễn Ngọc Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Yên cho biết, Ban Quản lý di tích xã thường xuyên kiểm tra, bảo vệ di tích. Song, do di tích thuộc quyền quản lý của dòng họ nên dòng họ cử người trông nom. Hơn nữa di tích được xây dựng từ lâu (1713), lại chưa được tu bổ, tôn tạo lần nào nên không tránh khỏi xuống cấp. Mặc dù di tích xuống cấp nghiêm trọng, song đây là di tích được xếp hạng cấp quốc gia, việc tu bổ, tôn tạo phải thực hiện theo quy định của Nhà nước, do vậy địa phương và dòng họ chỉ biết đề nghị Bộ VH,TT&DL cấp kinh phí để tu bổ, tôn tạo di tích, song đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Việc "cứu" di tích là việc làm cấp thiết hiện nay, đề nghị Bộ VH,TT&DT, UBND TP Hà Nội, huyện Hoài Đức sớm kiểm tra, đánh giá mức độ xuống cấp của di tích và có kế hoạch tu bổ, tôn tạo kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.