Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di sản đa quốc gia độc đáo

Hiền Dung| 18/06/2014 06:44

(HNM) - Hồ sơ đa quốc gia


Ở Việt Nam, di sản (DS) này cũng đang được các địa phương lập hồ sơ đề nghị Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục DSVH PVT quốc gia năm 2014. Là một trong những người tham gia nghiên cứu, lập các hồ sơ về DS kéo co, bà Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị DSVH (Hội DSVH Việt Nam) đã trao đổi với phóng viên Hànộimới về những giá trị có một không hai của DS; đồng thời đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị DS kéo co trong xã hội đương đại.

Trò chơi kéo co dân gian.



- Thưa bà, nói đến kéo co người ta thường hiểu đó là trò chơi dân gian hơn là nghi lễ truyền thống. Bà có thể cho biết rõ hơn kéo co gắn với nghi lễ nào?

- Như rất nhiều DSVH PVT khác, kéo co ở Việt Nam được sinh ra và nuôi dưỡng bởi cộng đồng, là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tập quán của cộng đồng. Kéo co thể hiện mong ước của cư dân nông nghiệp, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống yên vui. Điều này được thể hiện rất rõ trong nghi thức kéo co ngồi của nam giới ở lễ hội đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) vào dịp đầu xuân. Trước khi thực hành trò chơi, dân làng chuẩn bị mâm lễ và trang trí rất đẹp, rước vào đền cúng tế thần linh. Hiện nghi lễ này vẫn được người dân Thạch Bàn thực hành bài bản, góp phần gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Ở Campuchia, kéo co được tổ chức vào đầu năm mới của người Khmer hoặc vào dịp Chlong Chet - một nghi lễ liên quan đến nông nghiệp trồng lúa. Còn ở Philippines, kéo co là nghi lễ chính trong các nghi lễ sau khi kết thúc mùa vụ, biểu đạt sự cảm tạ của cộng đồng đối với thần linh… Qua đó có thể thấy, kéo co là một trong những sinh hoạt tín ngưỡng liên quan đến chuyện thờ thần nước của cư dân nông nghiệp.

- Dành nhiều thời gian nghiên cứu và tham gia lập các hồ sơ về DS kéo co, bà đánh giá thế nào về cách thức thực hành DS kéo co ở các quốc gia?

- Có thể nói, DS kéo co ở các quốc gia khá tương đồng về nghi lễ và tín ngưỡng, nhưng lại khác nhau về cách thức thực hành. Người Hàn Quốc tiến hành kéo co trên cạn, sợi dây kéo to như cột đình, có rất nhiều mấu, thời gian kéo diễn ra suốt cả ngày. Ở Singapore, nghi thức kéo co diễn ra dưới nước, thu hút rất đông người tham gia. Đặc điểm chung của kéo co ở Việt Nam là kéo trên cạn, diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, điểm khác biệt là ở cách kéo. DS kéo co ở Lào Cai là của cộng đồng người Tày và người Giáy, họ dùng dây song để kéo trong các lễ hội, điển hình là lễ hội Roóng Poọc ở Tả Van (huyện Sa Pa) vào tháng Giêng hằng năm. Kéo co ở Hà Nội và Vĩnh Phúc là của người Kinh. Người Vĩnh Phúc kéo co ngồi trên hố đào sẵn, dùng sợi dây song xuyên qua cột và kéo đi kéo lại. Cũng là kéo co ngồi, cũng kéo bằng sợi dây nhưng khi kéo, người dân Thạch Bàn (Long Biên) ngồi bệt xuống đất, chứ không ngồi trong hố. Kéo co ở Sóc Sơn (Hà Nội) lại khác, người dân Sóc Sơn dùng cây tre để kéo, còn gọi là kéo mỏ. Ngoài Long Biên và Sóc Sơn, Hà Nội còn nhiều địa phương khác có kéo co, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để thấy rõ hơn sự phong phú và đa dạng của DS đa quốc gia vô cùng độc đáo này.

Kéo co là DSVH PVT thuộc loại hình các thực hành xã hội, nghi lễ và lễ hội (theo cách phân loại của UNESCO), có ở nhiều nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các quốc gia đệ trình DS kéo co lên UNESCO gồm: Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia và Philippines. Ở Việt Nam, kéo co gắn bó với cộng đồng người Kinh, Thái, Tày, Nùng, Giáy… ở nhiều tỉnh, thành phố. Hiện, TP Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, Lào Cai đang tiến hành lập hồ sơ DS kéo co đề nghị Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục DSVH PVT quốc gia năm 2014.

- Thưa bà, việc bảo tồn di sản kéo co hiện nay có thuận lợi và khó khăn gì?

- Như tôi đã phân tích, kéo co là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu của cộng đồng, nên nó được cộng đồng ở các quốc gia có DS trao truyền từ đời này sang đời khác. Đó là yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên, trên thực tế, kéo co vốn là hoạt động nghi lễ lại đang có xu hướng phát triển thành trò chơi, thành môn thể thao, mà khi trở thành môn thể thao thì tính nghi lễ, sự gắn kết, giao lưu văn hóa giữa các thành viên trong cộng đồng sẽ giảm. Đó là thách thức không nhỏ. Ví dụ, trong điều kiện đô thị hóa nhanh như hiện nay, nếu không còn giữ được các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, chắc chắn các gia đình sinh sống trên địa bàn phường Thạch Bàn (Long Biên) sẽ ít biết đến nhau, ít giao lưu với nhau. Nhưng vì giữ được lễ hội làng, giữ được DS kéo co… nên mối quan hệ giữa các thành viên theo mô hình làng xã ở Thạch Bàn vẫn tương đối vững chắc. Vì thế, tôi cho rằng việc bảo tồn DS kéo co nói riêng, DSVH PVT nói chung là rất cần thiết.

- Vậy theo bà, kéo co ở Việt Nam nên được bảo tồn và phát huy giá trị như thế nào?

- Để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của kéo co, tôi cho rằng, quan trọng nhất chúng ta phải giữ cho được yếu tố nghi lễ, niềm tin của DS, coi đó là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng thay vì nghiêng sang hình thức trò chơi và phổ cập nó như trò chơi. Thứ đến, các cơ quan quản lý nhà nước về DS không nên đứng ra tổ chức nghi lễ và trò chơi kéo co theo cách có lễ khai mạc, bế mạc, có bài diễn văn, có mời quan khách, mà hãy để cho cộng đồng làm chủ và thực hành DS một cách tự nhiên như nó vốn có. Nếu có hỗ trợ thì chỉ nên hỗ trợ bằng các biện pháp khách quan, không nên can thiệp trực tiếp.

Hồ sơ "Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống" sẽ được UNESCO xem xét đưa vào danh mục DSVH PVT đại diện của nhân loại vào năm 2015. Nếu được UNESCO tôn vinh, kéo co sẽ là DS đa quốc gia đầu tiên ở Việt Nam. Đó là cơ hội cho các địa phương có DS tăng cường quảng bá DS, tăng sự gắn kết cộng đồng, nhưng cộng đồng cũng dễ có tâm lý làm cho DS hoành tráng lên. Thực chất, kéo co cũng như các DSVH PVT khác là nét văn hóa rất bình dị, rất gần gũi, tôi mong muốn cộng đồng hãy ứng xử với kéo co như cách ứng xử bao năm qua, đừng để DS hòa tan vào những thứ xô bồ của thời hiện đại.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Di sản đa quốc gia độc đáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.