Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di sản của Lenin là nền tảng cho mọi hành động

Lê Hương| 21/04/2010 07:24

(HNM) - Hội thảo "Di sản Lenin trong thế giới ngày nay và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam" do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia (CT-HCQG) Hồ Chí Minh tổ chức đã thu hút 130 tham luận của các học giả, nhà khoa học.

Các tham luận đều có chung nhận định: Di sản khoa học và cách mạng to lớn của V.I.Lenin có giá trị lý luận cũng như thực tiễn đối với nhân loại và Việt Nam. Việc nghiên cứu và vận dụng một cách sáng tạo chính sách kinh tế mới (NEP) của Lenin, tạo nên những thành quả kinh tế nổi bật sau 24 năm đổi mới là minh chứng.

V.I.Lenin - người thầy của cách mạng vô sản, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.

Về những đóng góp của V.I.Lenin, GS-TS Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh khẳng định, Lenin vừa là người kế tục, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại mới, vừa là người đưa CNXH khoa học từ lý luận trở thành hiện thực, lãnh đạo thành công cuộc cách mạng XHCN đầu tiên trên thế giới. Những chỉ dẫn của Lenin về xây dựng CNXH ở một nước chưa qua giai đoạn phát triển TBCN, nhận thức về đặc điểm, tính chất và những biện pháp để vượt qua thời kỳ quá độ theo kiểu phát triển "rút ngắn" của loại hình quá độ gián tiếp để đi lên CNXH; về vai trò và nhiệm vụ của Đảng trong quá trình lãnh đạo đất nước "chuyển trọng tâm sang tổ chức, xây dựng kinh tế"; về nhà nước XHCN và nền pháp chế XHCN, đặc biệt là những tư tưởng của Lenin về "chính sách kinh tế mới"... đã trở thành cơ sở lý luận quan trọng để chúng ta tiến hành sự nghiệp đổi mới.

Tuân theo Di huấn của Lenin, Đảng ta đã đặt trọng tâm của sự nghiệp đổi mới là đổi mới về kinh tế, với việc xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, thực hiện cơ chế thị trường định hướng XHCN. Cùng với đó là quan tâm đến động lực lợi ích và hài hòa các lợi ích để phát triển sản xuất, củng cố quan hệ sản xuất XHCN, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Từ chỉ dẫn của Lenin rằng, người cộng sản phải biết tập hợp những giá trị nhân loại để xây dựng CNXH, chúng ta đã tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và thu hút thêm ngoại lực... Sự nghiệp đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, mô hình CNXH ở Việt Nam và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã được nhận thức ngày càng rõ hơn.

Khi nghiên cứu về việc vận dụng chính sách kinh tế mới (NEP) của Lenin tại Việt Nam sau 24 năm đổi mới, TS Phạm Ngọc Dũng, Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh khẳng định, kinh tế nước ta có sự khởi sắc, đạt nhiều thành tựu vượt bậc. Lương thực từ chỗ thiếu ăn triền miên đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,712 triệu VND năm 1996 lên 18 triệu VND năm 2009. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển này, song quan trọng là chúng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo những tư tưởng lý luận của Lenin về NEP, mà trước hết là thừa nhận sự tồn tại khách quan của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. 24 năm đổi mới, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước đã được nhận thức dưới ánh sáng mới. Luật Doanh nghiệp tư nhân được ban hành năm 1990, cùng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích nền kinh tế tư nhân phát triển nhanh về số lượng, tầm vóc. Đại hội VII trở đi, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển rất mạnh. Cả 5 thành phần kinh tế hiện nay là kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đều được tự do phát triển, bình đẳng trước pháp luật.

Đồng chí Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
Di sản của V.I.Lenin là nền tảng tư tưởng và phương pháp luận

Di sản của Lenin đã và vẫn sẽ là nền tảng tư tưởng và phương pháp luận cho mọi hành động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đảng ta trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng khoa học của Lenin là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đưa nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản của Lenin là nền tảng cho mọi hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.