(HNM) - Những người có tính cách khác lạ hay làm những việc không giống như bình thường nhưng không phải là điên thì người đời thường gọi là dị nhân, người lập dị hay gàn dở...
Lê Công Đắc nhà ở phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến). Không rõ ông xuất thân thế nào nhưng nhiều người khẳng định, Lê Công Đắc không tốt nghiệp trường nào vì những năm 20 thế kỷ XX Hà Nội chỉ có vài trường cao đẳng và số học sinh Việt Nam cũng không nhiều nên ai học gần như cả thành phố biết. Vì sao người ta gọi ông là giáo sư? Thời nay, học hàm giáo sư là do nhà nước phong nếu người đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chí do nhà nước đặt ra nhưng thời Pháp thuộc, cứ dạy học thì đều gọi là giáo sư. thiên phú cho Lê Công Đắc năng khiếu học ngoại ngữ, ông rất giỏi tiếng Pháp và tiếng Latin. Còn vì sao ông lấy tên thánh Pétrus dù ông không theo công giáo, người ta cho rằng ông bắt chước Trương Vĩnh Ký, một học giả ở Sài Gòn nổi tiếng cả nước cuối thế kỷ XIX.
Phố Hàng Hòm đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu |
Ở nông thôn thì muộn hơn, nhưng tại các thành phố lớn trong đó có Hà Nội, nhiều thanh nữ đã cạo răng đen thành răng trắng, còn nam giới để tóc ngắn (bằng chứng là đầu thế kỷ XX, Hà Nội đã có rất nhiều hiệu cắt tóc và dân làng Kim Liên theo nghề này rất đông) nhưng Pétrus Lê Công Đắc vẫn để tóc dài và xõa ra giống như các nhà triết học phương Tây. Đi đâu ông cũng cắp theo cuốn sách tiếng Pháp dày cộp và cài chiếc bút máy ở túi áo ngực. Nhận thấy các cuốn tự điển kích thước lớn không tiện cho người sử dụng nên ông đã kết hợp với Barbier soạn tự điển Pháp Việt nhỏ gọn và nó đã được các thầy tu ở Nhà Chung xuất bản.
Thập niên 20-30, nhu cầu người lớn tuổi học tiếng Pháp là rất nhiều, vì nói được tiếng Pháp sẽ dễ xin được chân lái xe, làm lao công, phục vụ ở sở Tây và biết tiếng Pháp cũng dễ xin làm giúp việc cho gia đình Tây. Lại thêm học sinh các trường kém môn tiếng Pháp cũng muốn luyện thêm nên Pétrus Lê Công Đắc đã thuê nhà ở phố Gia Long (nay là Bà Triệu) mở lớp dạy tiếng Pháp và tiếng Latin cho các trình độ khác nhau.
Với người cao tuổi, để họ dễ nhớ ông đã soạn thành thơ lục bát, hay sưu tập các kiểu học tiếng Pháp bồi ở các tỉnh, thành khác đưa vào giáo trình, ví dụ:
Pe-re (Peré) tiếng gọi là cha
Me-re (Meré) là mẹ, ông bà e-ơ (aieux)
Hay:
Bớp (boeuf) bò, sư tử li-ông (lion)
Sơ-vanh (cheval) con ngựa, mu-tông (mouton) con cừu
Cốc (coq) gà, siêng (chien) chó, ti (tigre) beo
Ca-na (canard) con vịt, sa (chat) mèo, búp (buffle) trâu
Manh (main) tay, cu (cou) cổ, tét (tête) đầu
Đăm (dent) răng, bít (bouche) miệng, má ru (joue), ria (rire) cười
...
La (la) cái, lơ (le) đực, nhiều lê (les)
Muối xen (sel), cua (cuire) nấu, mết (mets) chè, ru (jus) canh
Bo (beau) tốt, bua (pur) sạch, ve (vert) xanh
Phu (fou) điên, le (laid) xấu, rượu vinh (vin), lam (lampe) đèn...
Với các lớp nâng cao, ông cho học sinh ngồi quanh chiếc bàn tròn còn ông ngồi giảng bài, chấm bài ở bàn bên cạnh. Ông cho bài tập thật nhiều, bài dịch Pháp - Việt, Việt - Pháp, viết chính tả, làm bài luận. Trong buổi học, ông vừa giảng, vừa giải đáp các câu hỏi của học viên, vừa chấm bài mà vẫn đâu ra đấy. Có một chuyện thật như bịa không thấy ở bất cứ một lớp học nào là học viên dù đã nghỉ học nhưng ông vẫn đến tận nhà trả bài mà ông chưa chấm xong hoặc đã chấm xong nhưng chưa kịp trả.
Khi tiếng Hán thất thế trước tiếng Pháp và ngày càng ít người học, Lê Công Đắc vẫn mở lớp. Ông dùng sách Nhất Thiên Tự, Tam Thiên Tự, Ngũ Thiên Tự để dạy học viên.
Thiên trời, địa đất, vân mây
Vũ mưa, phong gió, trú ngày, dạ đêm
Nhạc non, sơn núi, hà sông
Lâm rừng, hải biển, nguyên nguồn, khê khe
Thủ đầu, mục mắt, nhĩ tai
Yêu lưng, phúc bụng, kiên vai, càm cầm
Hay
Thiên trời, địa đất
Cử cất, tồn còn
Tử con, tôn cháu
Lục sáu, tam ba
Gia nhà, quốc nước
Tiên trước, hậu sau...
Trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay có kiểu quảng cáo theo kiểu thư cảm ơn sản phẩm của công ty nhưng cách đây gần 77 năm (1936), Lê Công Đắc đã quảng cáo trên “Hà Nội báo” về những người học ông đi thi tiếng Pháp đỗ cao. Cụ thể một quảng cáo có nội dung “Tôi là Đỗ Trọng Quát cảm ơn giáo sư Pétrus vì nhờ theo các cua học của giáo sư mà tôi đã đỗ cao trong kỳ thi...”, kèm theo thư cảm ơn là ảnh của học viên và ảnh của giáo sư Lê Công Đắc!
Giới trí thức thời đó vẫn còn lưu truyền câu chuyện hư thực về luật sư Nguyễn Mạnh Tường, người đã đậu 2 bằng tiến sĩ văn chương và luật khi mới 22 tuổi, chấm thi tú tài Pháp ở Hà Nội và Lê Công Đắc đã tìm ra những chỗ trò đúng mà người chấm chưa chuẩn rồi đưa lên báo. Đọc những ý kiến đóng góp, luật sư Nguyễn Mạnh Tường phải công nhận là Lê Công Đắc nói đúng. Do có những việc làm khác người nên Pétrus Lê Công Đắc bị thiên hạ coi là “gàn bát sách” và báo Phong Hóa của Tự lực Văn đoàn liên tiếp có nhiều bài chế giễu ông nhưng không vì thế mà số học trò giảm đi.
Trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện “Đại lãn chờ sung” hài hước nhưng có tính giáo dục cao: Muốn ăn thì phải làm, nhưng ở Hà Nội thời bao cấp có một người chỉ chơi không làm gì mà vẫn có ăn, vẫn chè Tầu thuốc lá, đó là ông Nguyễn Trần Thanh ở Ô Chợ Dừa. Sinh ra trong gia đinh khá giả ở phố Khâm Thiên, lúc bé đi học nhưng chỉ học hết tiểu học đã dứt khoát bỏ dù cha mẹ khuyên bảo, ne nẹt. Năm 1936, phố Khâm Thiên xuất hiện các nhà hát khiêu vũ, Thanh bắt nhịp ngay và do có năng khiếu nên nhiều người nhờ Thanh hướng dẫn và họ bao đủ thứ. Nhiều cô gái mê mẩn nhưng Thanh không màng. Năm 1954, gia đình di cư vào Nam nhưng người con cả và Thanh không chịu đi, bà mẹ để lại một cái nhà và viết giấy cho hai anh em.
Sau hòa bình ít lâu, ông Thanh bán phần cha mẹ chia cho anh cả rồi ra Ô Chợ Dừa “nhảy dù” đất hoang dựng nhà tranh. Ngày đó đất rộng, người thưa và “đất đai là của nhân dân lao động” nên cũng không có ai kêu ca gì. Bốn gian nhà lá rộng thênh thang, ông ở một gian còn ba gian cho mấy bà chuyên mua giấy vệ sinh đã sử dụng của công ty vệ sinh vớt ra phơi khô thuê làm kho lấy tiền chè Tầu thuốc lá. Ông không mua gạo cung cấp như các gia đình mà lên phòng lương thực xin đổi ra 13kg tem gạo để ăn cơm mậu dịch, mỗi bữa cơm mậu dịch mất 250 gam tem và 13kg tem gạo chỉ đủ cho 26 ngày, nên ông cho bà bán xôi ngô ngồi nhờ trước cửa buổi sáng, buổi tối thì bà bán phở gánh. Thế là cả tháng 30 ngày, không phải lo chuyện ăn uống. Song một suất cơm mậu dịch mất 3 hào, để có tiền ông bán phiếu dầu, phiếu thực phẩm, bìa mua xà phòng, đường... tổng cộng được 14 đồng, thiếu 1 đồng 6 hào, ông lấy tiền cho thuê kho đắp vào. Thế là rong chơi suốt thời bao cấp, mặc cho mọi người xếp hàng mua gạo, mặc mọi người ăn độn.
Ham chơi nhưng ông Thanh sáng dạ, hoạt ngôn và chính vì hoạt ngôn mà suýt vào tù. Số là ông hay la cà ở các quán chè chén 5 xu, nói chuyện súng ống của Liên Xô, Trung Quốc, chuyện xe tăng Mỹ, pháo vua chiến trường nòng dài… Lại có khi nguyên thủ Liên Xô thế này thế kia. Một hôm vừa đứng lên khỏi quán chè ở phố Cầu Gỗ thì có công an mặc thường phục yêu cầu về khu Hoàn Kiếm (nay là quận). mặt ông tái mét vì công an quy tội: chỉ có nghe đài địch mới biết nhiều chuyện thế giới như thế. Ông xin phép trình bày rằng nhà cho bà buôn giấy báo thuê làm kho nên thi thoảng đọc được các bản tin cũ mới biết thông tin. Công an bắt dẫn về nhà, hóa ra các tờ tin thế giới của cơ quan thông tấn lúc mới chạy máy bị dính mực, lem luốc còn gọi là “đề xê” nên họ bán cho cánh đồng nát. Hú hồn nhưng vẫn không chừa. lần thứ hai bị công an khu Hai Bà Trưng “hỏi thăm” cũng vì biết nhiều tin tức thế giới, ông lại chứng minh như lần trước nên được tha.
Năm 1975, đất nước thống nhất, biết tin cha mẹ vẫn sống, cuối năm ông Thanh bán nhà và vào Sài Gòn, không biết sau đó cuộc sống của ông ra sao, nếu còn sống thì năm nay ông cũng đã 93 tuổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.