Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi lại trong dịp Tết, quá khổ!

Thùy Linh| 28/12/2011 07:40

(HNM) - Tết vốn là mùa

Vật vã tàu xe

Từ ngày 25-12, bến xe miền Đông (BXMĐ) bắt đầu mở bán vé trước cho hành khách đi lại trong dịp Tết. Do vé tàu và vé máy bay đã hết nên mọi "hy vọng" có tấm vé về quê ăn Tết đều đổ dồn vào chiếc vé xe khách. Thế nhưng, dù đến xếp hàng sớm hơn giờ bến xe bắt đầu mở cửa bán vé mấy giờ đồng hồ nhưng rất nhiều người vẫn chịu cảnh ngậm ngùi vì hết vé. Mới chỉ ngay từ buổi sáng đầu tiên thì các hãng xe thương hiệu như Mai Linh, Hoàng Long, Chín Nghĩa, Thiên Trang, Bình Tâm, Minh Phương… đã thông báo hết vé từ ngày 22 đến 28 tháng Chạp (từ ngày 15 đến  21-1-2012). Vé từ ngày 21 tháng Chạp (từ ngày 14-1-2012) trở về trước vẫn còn, tuy nhiên đây là ngày không nhiều người lựa chọn vì không thể rời TP Hồ Chí Minh quá sớm do nhu cầu công việc.

Các bến xe tại TP Hồ Chí Minh luôn kẹt cứng trong dịp Tết.


Trước đó, cảnh mua vé tàu còn "khốc liệt" hơn bởi đây là phương tiện nhiều người lựa chọn vì giá vé không đắt như máy bay và an toàn hơn so với đi xe khách. Hàng chục ngàn người đã ngồi canh hàng giờ trước máy vi tính để đặt vé qua mạng nhưng vẫn không được. Thậm chí, dù ga Sài Gòn đã thông báo chỉ bán vé qua mạng nhưng nhiều công chức, sinh viên còn mang cả laptop đến ga Sài Gòn và… lên mạng đặt vé để "cầu may". Và nhiều người cũng đã "trắng tay" sau cả ngày chờ đợi trên máy tính mà không thể mua nổi vé tàu để về quê ăn Tết.

Nhưng vé tàu và xe chỉ "sôi" trong những ngày gần Tết, riêng máy bay thì từ tháng 8, tháng 9 vé trên một số tuyến bay đã hết. Và đến khoảng tháng 11, 12 thì hầu như vé các tuyến bay những ngày cao điểm Tết đều không còn.

Lo lỗ chiều chạy rỗng

Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cho biết, vào dịp Tết nhu cầu hành khách đi lại cao gấp 10 lần khả năng cung cấp của công ty nên dù hết sức cố gắng vẫn không thể nào đáp ứng hết nhu cầu. Năm nay, dù dự đoán nhu cầu hành khách sẽ tăng so với năm trước nhưng trong thời gian cao điểm từ 21 đến 28 tháng Chạp (ngày 14 đến 21-1-2012) ngành này vẫn chỉ cung cấp được 112.000 chỗ chiều đi từ ga Sài Gòn. Ngành đường sắt cho rằng, dù rất muốn tăng số lượng chỗ nhưng không thể bởi hạ tầng hạn chế, và càng chạy càng lỗ do những ngày này chỉ có khách một chiều. Để vận chuyển 112.000 chỗ ngồi từ TP Hồ Chí Minh ra các tỉnh phía Bắc trong những ngày cao điểm Tết, ngành đường sắt phải vận hành 11 đôi tàu Thống Nhất (tăng gần gấp đôi so với ngày thường) chạy TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Bên cạnh đó là các tàu tăng cường từ TP Hồ Chí Minh đi Vinh, Nha Trang đi Hà Nội… Với các đoàn tàu tăng cường này thì cứ chưa tới một giờ đã có một chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn. Bên cạnh đó còn nhiều tàu địa phương xuất phát từ các ga dọc đường, tàu chạy từ chiều ngược lại… nên không thể tăng thêm chuyến. Chưa kể, càng tăng chuyến càng lỗ do những ngày này hành khách chỉ đi một chiều, chiều còn lại phải chạy rỗng (không có khách). Dù ngành đường sắt đã tăng 10-39% trong những ngày cao điểm nhưng vẫn chưa đủ để bù lại chiều chạy rỗng.

Với ngành hàng không, nhu cầu đi lại trong những ngày cao điểm cũng tăng gấp khoảng 2 lần ngày thường nên các hãng cũng tăng cường thêm nhiều chuyến bay. Tuy nhiên, bình quân hệ số sử dụng ghế cho một chuyến khứ hồi trong dịp Tết cũng rất thấp nên việc bù chi phí, cân đối lợi nhuận trong dịp Tết không hề dễ dàng. Chính vì vậy, việc điều chỉnh, tăng chuyến trong dịp cao điểm Tết luôn khiến các đơn vị phải cân nhắc. Bên cạnh đó, ngành hàng không phụ thuộc rất nhiều vào năng lực hiện có của từng hãng như máy bay, phi công… nên việc tăng chuyến theo đủ nhu cầu đi lại là không hề dễ dàng.

Vé máy bay, tàu hỏa đều không mua được nên những người xa quê đành phải trông chờ vào những chuyến xe khách. Thế nhưng, có tấm vé xe khách để về quê như mong muốn cũng không phải là điều dễ dàng khi nhu cầu đi lại quá lớn so với năng lực vận chuyển, nên nhiều người đã phải ngậm ngùi không mua được vé ở hãng xe mình muốn và ngày đi mình chọn. Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc BXMĐ dự báo, lượng hành khách đi lại trong dịp Tết Nhâm Thìn sẽ tăng 3-5% so với cùng kỳ năm trước. Trong những ngày cao điểm từ 22 đến 27 tháng Chạp, lượng khách qua bến có thể đạt 50.000 người/ngày. Để bảo đảm tất cả hành khách có nhu cầu đều được về quê, bến xe đã xin tăng cường khoảng 200 xe buýt và cho phép các doanh nghiệp thương hiệu được thuê xe hợp đồng bên ngoài vào tham gia giải tỏa khách. Nếu thiếu thì bến xe sẽ điều động ngay nên hành khách có thể yên tâm là ai cũng có vé về quê ăn Tết.

Thực tế đúng như ông Thượng Thanh Hải đã nói, xe khách luôn là những vòng quay cần mẫn đưa tất cả những người làm ăn xa trở về quê nhà sum họp trong dịp Tết. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn của tất cả hành khách vì trong những ngày cao điểm Tết, do quay vòng xe nhanh nên nhiều tài xế đã chạy ẩu rất nguy hiểm. Chính vì vậy nên mỗi năm khi Tết đến, những người con xa quê lại phải chịu cảnh thấp thỏm lo vì tấm vé về quê ăn Tết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi lại trong dịp Tết, quá khổ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.