Hàng không, đường sắt, đường bộ đều đã sẵn sàng tăng chuyến, tăng tải * Khuyến cáo: Đặt mua vé sớm là giải pháp tối ưu cho cả hành khách và các hãng vận tải
Người dân tới mua vé tàu tại Ga Hà Nội. Ảnh: Trung Kiên
Đến nay, các ngành vận tải đều đã có kế hoạch tăng chuyến, tăng tải để phục vụ tối đa nhu cầu đi lại của nhân dân trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Tân Mão. Cũng như mọi năm, ngành đường sắt luôn xây dựng các phương án tăng chuyến, bán vé sớm nhất, bởi nhu cầu đi lại bằng tàu hỏa, đặc biệt là trên tuyến Bắc - Nam luôn rất căng thẳng. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, bên cạnh việc huy động tối đa đầu máy, toa xe để lập các đôi tàu chạy trên tuyến Bắc - Nam, phương án bán vé ghế phụ, hoặc chuyển giường nằm thành ghế ngồi sẽ được thực hiện để tăng khả năng vận chuyển. Tuy nhiên, cũng như mọi năm, ngành đường sắt khuyến cáo, hành khách cần sớm đặt chỗ, mua vé. Vé tàu Tết đã được các ga bán ra ngay từ tháng 11. Ga Hà Nội được phân bổ 5.012 vé tàu chiều Sài Gòn - Hà Nội dịp cao điểm trước Tết và đã bán hơn 3.500 vé. Phó Trưởng ga Hà Nội Phùng Thị Lý Hà cho biết, nhà ga luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách mua vé, đặc biệt là hình thức bán vé qua tin nhắn SMS. Dẫu vậy, vẫn còn đó nỗi lo về tình trạng mua vé rồi tuồn vào phía Nam bán kiếm lời.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thông báo kế hoạch tăng tải lần 1 cho giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Tân Mão. Theo đó, trên đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh trong dịp cao điểm, hãng dự kiến mỗi ngày sẽ có bình quân 7.000 ghế/chiều (tăng 57% so với thường lệ). Những ngày cao điểm nhất, số ghế cung ứng có thể lên đến hơn 8.500 ghế/chiều (tăng hơn 88%). Đường bay TP Hồ Chí Minh -Đà Nẵng, trong dịp cao điểm, mỗi ngày sẽ tăng tải khoảng 44% so với thường lệ và ngày cao điểm nhất có thể tăng gần 2 lần khả năng vận chuyển. Vietnam Airlines hy vọng kế hoạch này sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng quá tải thường gặp trong dịp Tết và dự kiến, nếu cân đối được máy bay, phi công, thợ kỹ thuật… sẽ tiếp tục tăng tải.
Theo Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội, lượng hành khách đi lại trong dịp cao điểm Tết Tân Mão tại các bến dự kiến tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Để giải tỏa hết hành khách tới các bến, Công ty đã họp với doanh nghiệp vận tải và dự kiến kế hoạch tăng chuyến. Theo đó, bến Giáp Bát, Gia Lâm dự kiến sẽ tăng 1,3 lần số xe chạy so với ngày thường, bến Mỹ Đình tăng 1,2 lần xe chạy... Ngoài ra, Công ty còn sẵn sàng phương án để xin hỗ trợ nếu nhu cầu quá lớn.
Nỗi lo muôn thuở
Trong dịp tết Nguyên đán 2011 bến xe Giáp Bát dự kiến sẽ tăng gấp 1,3 lần xe chạy so với ngày thường. Ảnh: Khánh Huyền
Kế hoạch tăng chuyến của ngành vận tải đã sẵn sàng và trên lý thuyết, hành khách phần nào có thể yên tâm. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, dù tăng, nhưng vẫn khó đáp ứng hết nhu cầu của hành khách đi trong dịp cao điểm. Đây là nỗi lo muôn thuở của các hãng vận tải và của cả hành khách, bởi lẽ nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán luôn rất cao và chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Các hãng vận tải không thể xây dựng kế hoạch kinh doanh, mua thêm phương tiện chỉ để đáp ứng nhu cầu hành khách trong thời gian ngắn như vậy. Có thể nói, nhiều năm nay, cơ sở hạ tầng, phương tiện đường sắt ít thay đổi và khả năng đáp ứng năm sau không hơn nhiều so với năm trước. Đó cũng là lý do các hãng vận tải, đặc biệt là đường sắt, hàng không đều khuyến cáo hành khách nên mua vé sớm để tránh sự căng thẳng, nhốn nháo những ngày giáp Tết. Đặt mua vé sớm cũng giúp các hãng vận chuyển chủ động hơn trong điều tiết kế hoạch vận tải của mình.
Dù đã có nhiều biện pháp hạn chế, nhưng "cò vé" vẫn còn đất sống và không ít hành khách đành nghiến răng chấp nhận qua "cò" để có tấm vé về quê. Vietnam Airlines cho biết, sẽ áp dụng chính sách mở bán từng bước, thắt chặt quy định để tránh đầu cơ, bảo đảm quyền lợi hành khách trong dịp cao điểm Tết. Tuy nhiên, do khả năng có hạn, nên chuyện đặt mua được vé máy bay hạng phổ thông trong những ngày cao điểm hiện nay đã rất khó khăn. Để mua vé, cách dễ nhất là đành cắn răng mua vé hạng "thương nhân". Thế nhưng, nếu không đặt vé sớm thì "nhà giàu cũng khóc".
Vận tải đường bộ những năm qua phát triển nhanh và có khả năng đáp ứng đầy đủ nhất nhu cầu của hành khách. Tuy không phải xếp hàng, tranh nhau mua vé, nhưng đây là loại hình phương tiện đáng lo ngại và tiềm ẩn nhiều bất an nhất mỗi khi Tết đến, Xuân về. Tăng giá vé, thậm chí chèn ép hành khách là điều khó tránh. Đáng lo ngại là tình trạng chạy lòng vòng, phóng nhanh, vượt ẩu giành khách, đón trả khách vô tội vạ… mà bao năm qua các cơ quan chức năng dường như bất lực. Tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao. Một điều đáng lo ngại nữa là khả năng ùn tắc giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là những tuyến bị ảnh hưởng của các đợt mưa lũ thời gian qua. Ngoài vấn đề phương tiện, việc bảo đảm chất lượng hạ tầng giao thông cũng quan trọng không kém để giải quyết vấn đề đi lại của người dân trong những ngày Tết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.