Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi đầu trong nghiên cứu, lắp đặt hệ thống xử lý rác thải

08/10/2014 07:32

(HNM) - Theo dự báo của Bộ TN&MT, đến năm 2015, khối lượng chất thải sinh hoạt rắn từ các đô thị ước khoảng 37 nghìn tấn/ngày, năm 2020 là 59 nghìn tấn/ngày, cao gấp 2-3 lần hiện nay.


Hiện việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang thực hiện bằng công nghệ sinh học, đốt và chôn lấp; trong đó, công nghệ chôn lấp chiếm khoảng 82% lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom được. Tại Hà Nội được sự quan tâm đầu tư của thành phố và nhờ phương thức xã hội hóa công tác xử lý rác (XLR), các công nghệ đốt và công nghệ sinh học đã xử lý được 600-700 tấn rác mỗi ngày và dự kiến đến năm 2015 sẽ có khoảng 1.300 tấn rác mỗi ngày được xử lý bằng công nghệ cao (chiếm 25% tổng lượng rác thu gom mỗi ngày). Khối lượng còn lại được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cắt băng khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.




Từ mục tiêu giảm chôn lấp rác…

Từ năm 2008, Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ XLR bằng công nghệ mới, giảm chôn lấp. Trên cơ sở đánh giá của các nhà khoa học lĩnh vực môi trường (MT), công nghệ đốt rác sinh hoạt là công nghệ tiên tiến, hiệu quả, đạt 3 tiêu chí: Thời gian xử lý nhanh nhất; khối lượng chất thải còn lại nhỏ nhất, ô nhiễm thứ cấp được kiểm soát và giảm thiểu tốt nhất; khả năng tái sử dụng chất thải hiệu quả cao. Từ kinh nghiệm các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… rác sinh hoạt được xử lý chủ yếu bằng công nghệ đốt có thu hồi nhiệt và phát điện mang lại hiệu quả kinh tế, MT cao cho xã hội và doanh nghiệp (DN).

Qua khảo sát, Công ty nhận thấy khác biệt cơ bản của rác Việt Nam với rác các nước công nghiệp phát triển: Rác chưa được phân loại, thành phần hỗn tạp, có thời gian phân hủy khác nhau. Phương thức thu gom hở, gián đoạn làm lẫn nhiều chất thải khác, chịu nhiều ảnh hưởng của nước mưa. Nhiệt trị rác thấp (900-1.100 kcal/kg), độ ẩm cao (50-55%). Những điểm khác biệt này (đặc biệt nhiệt trị thấp, độ ẩm cao) là yếu tố bất lợi đối với công nghệ đốt. Từ kết quả khảo nghiệm trên, Công ty tập trung nghiên cứu loại bỏ chất thải trơ, hữu cơ nhỏ đang phân hủy dở dang có độ ẩm lớn hơn 55% dành cho chôn lấp (tỷ lệ này chiếm 10-15% lượng rác đầu vào); giảm độ ẩm và nâng nhiệt trị của rác đến trạng thái tự cháy được (độ ẩm nhỏ hơn hoặc bằng 25%, nhiệt trị lớn hơn 1.700 kcal/kg).

Sau 2 năm vừa nghiên cứu lý thuyết vừa thực nghiệm công nghệ từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn và thực tế phương thức thu gom rác ở Hà Nội, Công ty hoàn thành công trình nghiên cứu "Công nghệ đốt rác có thu hồi nhiệt". Ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ, năm 2010, Công ty được UBND thành phố chỉ đạo thực hiện đầu tư dây chuyền XLR công suất 300 tấn/ngày tại Nhà máy Xử lý chất thải Sơn Tây. Quá trình thiết kế thiết bị, xây dựng nhà xưởng được thực hiện trong gần 2 năm, dây chuyền này đã được vận hành chính thức XLR cho TP Hà Nội từ ngày 1-1-2012. Ứng dụng công nghệ này, rác chôn lấp chỉ còn nhỏ hơn hoặc bằng 22%.

Công nghệ thiết bị của dây chuyền này đã được Hội đồng khoa học Vifotec trung ương đánh giá xét tặng giải thưởng: Sáng tạo khoa học - công nghệ 2012, Cúp vàng Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Sau gần 3 năm vận hành thực tế, công nghệ này đã được Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam bình chọn là "Hàng Việt tốt, dịch vụ hoàn hảo năm 2014".

…đến làm chủ thiết kế - chế tạo thiết bị

Cùng với việc thiết kế, cải tạo thiết bị dây chuyền XLR giai đoạn I, Công ty nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ, thiết kế thiết bị giai đoạn II, báo cáo UBND thành phố cho phép đầu tư dây chuyền XLR mới có công suất 400 tấn/ngày đêm, quy mô 2ha (chưa bao gồm hạ tầng kỹ thuật phụ trợ) với tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng. Dây chuyền được thiết kế có nhiều cải tiến mang tính đột phá. Công ty bố trí mặt bằng, các bước công nghệ XLR tối ưu giúp tiết kiệm diện tích, tiêu hao năng lượng ít, đồng thời khép kín quá trình xử lý, kiểm soát hoàn toàn ô nhiễm thứ cấp; thiết kế tăng 30% công suất lò đốt đồng thời cải tiến thiết bị cấp khí đốt tự động theo các quy chuẩn môi trường cao hơn; tăng nhiệt độ buồng sơ cấp, tăng tỷ lệ ôxy dư tại buồng thứ cấp (6-10%) giúp cho quá trình cháy triệt để, đạt nhiệt độ tối đa cho phép, nhờ đó năng suất đốt sẽ cao hơn; thay thế nguyên lý trao đổi nhiệt từ nguyên lý khí - nước sang nguyên lý khí - khí thông qua vật truyền nhiệt tĩnh với thiết kế sử dụng 100% vật liệu gốm có khả năng chịu nhiệt, ăn mòn cao. Nhờ sự cải tiến có bước đột phá này, thiết bị trao đổi nhiệt vừa giảm được nguyên liệu làm mát bằng nước, khắc phục tình trạng ăn mòn kim loại rất lớn so với nguyên lý trao đổi nhiệt khí - nước đang sử dụng phổ biến hiện nay của các lò đốt rác khác trong và ngoài nước. Đây còn là tiền đề cho việc nghiên cứu công nghệ đốt rác phát điện cho thiết bị đốt rác những năm sau.

Ông Nguyễn Phúc Thành, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: "Việc đưa vào vận hành Nhà máy XLR Sơn Tây với 2 dây chuyền XLR có tổng công suất 700 tấn/ngày sẽ góp phần tích cực thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ MT theo Nghị quyết 18/2013/NQ-HĐND ngày 3-12-2013 của HĐND TP Hà Nội, đồng thời là điều kiện góp phần bảo đảm hoàn thành tiêu chí MT trong chương trình xây dựng nông thôn mới của TP Hà Nội".

Phát triển ngành công nghiệp môi trường

Với vai trò là DN khoa học - công nghệ đầu tiên của TP Hà Nội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ MT, Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long đã và đang tập trung cho công tác nghiên cứu, phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn và thiết kế chế tạo thiết bị XLR nhằm thực hiện 3 mục tiêu chiến lược: Nghiên cứu, phát triển các công nghệ thu gom XLR theo hướng giảm thiểu chất thải, xử lý nhanh ô nhiễm và tái sử dụng; ứng dụng công nghệ mới XLR cho TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, góp phần tích cực thực hiện Quyết định 798/QĐ-TTg ngày 25-5-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, phát triển ngành công nghiệp MT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô giai đoạn 2015-2019.

Công trình Nhà máy Xử lý rác Sơn Tây hoàn thành đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là công trình rất có ý nghĩa mà tập thể hơn 1.300 CBCNV Công ty đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ MT Thủ đô Hà Nội.

* Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Nam Sơn: "Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu xử lý chất thải Xuân Sơn - Sơn Tây được xác định là khu xử lý rác tập trung của thành phố với công suất 1.600-2.500 tấn/ngày. Tại khu xử lý này, UBND thành phố đang triển khai các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ chôn lấp thông thường hợp vệ sinh đến áp dụng công nghệ xử lý rác sinh hoạt tiên tiến phù hợp với điều kiện của thành phố. Công trình này của Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long là một trong những công trình đang cụ thể hóa các kế hoạch đầu tư khu xử lý rác của thành phố. Công trình đi vào hoạt động nâng công suất xử lý của toàn khu lên 1.155 tấn/ngày. Đây là thành quả lao động của tập thể hơn 1.300 CBCNV Công ty lập thành tích thiết thực chào mừng 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô".

* Tổng Giám đốc Công ty TNHH FICHTNER Việt Nam Erhand Kuster: Là đơn vị tư vấn về công tác quản lý môi trường, công nghệ, năng lượng cơ sở hạ tầng, điện, nước… Với nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn trên thế giới, tôi đánh giá cao dây chuyền xử lý rác thải của công ty. Đây là bước tiến mới đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, hướng tới phát triển ngành công nghiệp môi trường, các giải thưởng dành cho dây chuyền này cho thấy đây là một công nghệ XLR có nhiều tính sáng tạo mới so với các công nghệ đốt rác của các nước tiên tiến trong khu vực đang thực hiện.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi đầu trong nghiên cứu, lắp đặt hệ thống xử lý rác thải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.