Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi đầu trên mặt trận không tiếng súng

Đình Hiệp| 23/08/2015 07:25

(HNM) - Hòa trong không khí cả nước chào mừng 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Bộ Ngoại giao có nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm ngành ngoại giao Việt Nam. Thành lập ngày 28-8-1945, ngành ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, đổi mới đất nước và củng cố, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.


Ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 15 bộ, trong đó có Bộ Ngoại giao. Những năm đầu mới thành lập, ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo và tham gia trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ. Trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với khó khăn chồng chất, thù trong giặc ngoài, sách lược ngoại giao "hòa để tiến" đã tranh thủ thời gian cho cách mạng củng cố lực lượng, chuẩn bị trường kỳ kháng chiến. Trong giai đoạn này, ngoại giao Việt Nam đã rút ra được những bài học đầu tiên vô cùng quý giá. Đó là bài học về nguyên tắc "đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu", về chủ trương "thêm bạn, bớt thù", về phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến"... để từ đó đặt nền móng cho thắng lợi của các thời kỳ tiếp nối.

Phát biểu tại các hội thảo nhân kỷ niệm 70 năm ngành ngoại giao mới đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu bật ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo, dìu dắt trực tiếp của Người với Bộ Ngoại giao cũng như đội ngũ cán bộ đối ngoại từ những ngày thành lập. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh với phương châm "làm bạn với các nước, không gây thù oán với ai" là kim chỉ nam cho ngoại giao Việt Nam qua các giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước. 70 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên - ngành ngoại giao đã nỗ lực, thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (giữa) ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973.Ảnh tư liệu


Trong công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được khẳng định qua chủ trương đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động hội nhập quốc tế. Gần 30 năm qua, chính sách ngoại giao đổi mới của Việt Nam được triển khai theo tinh thần "là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế". Đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia trên thế giới, trong đó có 2 đối tác chiến lược toàn diện, 13 đối tác chiến lược và 11 đối tác toàn diện. Trong quan hệ chính trị - ngoại giao với các đối tác, mức độ hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau ngày càng được nâng cao. Việt Nam hiện là thành viên chính thức của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực. Quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế và nhiều tổ chức phi chính phủ là những nguồn lực quan trọng đưa nền kinh tế - xã hội Việt Nam không ngừng phát triển, từng bước hội nhập sâu rộng với thế giới.

Tại hội thảo khoa học "Ngoại giao Việt Nam: 70 năm truyền thống và định hướng tương lai" mới đây, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng khẳng định: "Bất kể trong đấu tranh giành độc lập dân tộc hay trong quá trình thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, ngành ngoại giao Việt Nam đều phát huy vai trò quan trọng nhằm xây dựng một nước XHCN độc lập, tự chủ, hạnh phúc; đồng thời đóng góp tích cực trong việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực". Đại biện lâm thời Liên bang Nga Vadim Bublikov cho rằng: "Ngành ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào việc thực hiện những nhiệm vụ đặt ra với đất nước. Nhờ tinh thần lao động quên mình của những người cán bộ ngoại giao mà Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của thế giới trong đấu tranh chống ngoại xâm cũng như trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế"...

Trong buổi gặp mặt Đoàn cán bộ Bộ Ngoại giao tiêu biểu qua các thời kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những thành tựu nổi bật của ngành ngoại giao 70 năm qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, tiến hành 30 năm qua đã giúp ngoại giao Việt Nam thực sự cất cánh. Ngày nay cán bộ ngoại giao lại là những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận không tiếng súng góp phần bảo vệ từ xa thành quả cách mạng, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi đầu trên mặt trận không tiếng súng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.