(HNMO) – Hàng trăm người di cư đã tìm được con đường mới an toàn hơn để tới được châu Âu. Thay vì phải thực hiện chuyến hải trình nguy hiểm qua Địa Trung Hải, họ có thể đi xuyên qua khu vực biên giới của Nga và Na Uy ở Bắc Cực. Tuy nhiên, do pháp luật Nga cấm đi bộ qua biên giới nên người tị nạn đã buộc phải dùng đến xe đạp.
Người di cư phải đi xe đạp qua biên giới Nga-Na Uy. Ảnh: BBC |
Fahed trùng gối xuống và dùng gan bàn tay để ước lượng chiều cao của chiếc xe đạp mà anh ấy đã dùng để vượt qua biên giới Nga tới Na Uy. Fahed cao khoảng 1m77 nhưng chiều cao của chiếc xe đạp thì chỉ đến đầu gối của anh ấy.
“Tôi đã dùng xe của bọn trẻ con” – Fahed cười to trước khi rít thêm một hơi thuốc nữa. Anh đến từ Algeria và là một trong số người nhập cư ngày càng tăng đang tới châu Âu bằng con đường vòng qua Bắc Cực.
Năm 2014, chỉ có 7 người tị nạn vượt qua biên giới Storskog giữa Nga và Na Uy. Nhưng trong năm nay, tính riêng tháng 10, đã có khoảng 1.100 người chọn con đường này. Họ đến từ Iraq, Afghanistan, Lebanon, chủ yếu là Syria.
Lộ trình của người di cư tới châu Âu bằng con đường vòng qua Bắc Cực. Ảnh: BBC |
Để đi qua biên giới Nga-Na Uy, những người di cư phải sử dụng xe đạp bởi hai lý do: Thứ nhất, pháp luật Nga không cho phép đi bộ qua biên giới. Thứ hai, theo luật Na Uy, tài xế không được phép chở người vào nước này mà không có giấy tờ hợp lệ, do đó những người di cư không còn cách nào khác là phải tự mình đạp xe qua biên giới.
Fahed cho biết, anh phải trả 200 USD để mua xe đạp ở Murmansk (một thành phố ở Tây Bắc Nga, nằm trên vòng Bắc Cực). Trông Fahed có vẻ hài lòng, khi anh nói thêm rằng, chi phí này đã bao gồm cả tiền taxi để đi tới khu vực biên giới, số tiền này thể coi như chi phí trọn gói cho chuyến đi qua biên giới Nga - Na Uy.
Như vậy là chiếc xe mà Fahed mới mua chỉ được dùng một lần duy nhất để hoàn thành đoạn đường 120m xuyên qua biên giới giữa hai nước này. Chỉ cần vượt qua vạch ranh giới hai sọc màu đỏ và xanh lá cây là họ đã chính thức ra khỏi lãnh thổ nước Nga. Đi thêm một đoạn nữa tới hàng rào màu vàng, thế là họ đã đặt chân vào địa phận châu Âu.
Nếu không tính chi phí taxi thì đó có lẽ là một trong những chuyến đi đắt nhất trên thế giới, với giá 1,6 USD/m. Song Fahed không lấy làm tiếc. Anh nói rằng so với việc đến được châu Âu an toàn thì số tiền này chẳng đáng là bao.
Tất cả những người tị nạn được trú tại thị trấn Kirkenes, tại đây chính phủ Na Uy đã nhanh chóng mở các khu tạm trú và một trung tâm nhập cư có thể chứa tới hơn 500 người.
Chính quyền địa phương đưa những người di cư tới thị trấn bằng xe buýt, còn xe đạp thì họ bỏ lại ở biên giới, đa phần đều là xe đạp trẻ em. Hơn 100 chiếc được tập trung lại ở bức tường phía sau văn phòng hải quan của cảnh sát biên giới, đây mới chỉ là số xe thu gom trong hai ngày. Nhiều chiếc còn mới tinh, chưa hề có vết han gỉ. Thậm chí, một số chiếc vẫn còn bọc nguyên lớp giấy bóng bảo vệ của nhà sản xuất.
Tại đây, cứ hai hay ba ngày, những chiếc xe đạp lại được thu gom và mang đi để nghiền nát. Đây quả là một sự lãng phí lớn. Cảnh sát trưởng Stein Hansen nói rằng ông rất mong những chiếc xe đạp này có thể tận dụng một cách hữu ích, tuy nhiên nếu áp các tiêu chuẩn của Na Uy thì chúng rõ ràng là không phù hợp với đường bộ.
Xe đạp được thu gom tập trung để mang đi nghiền nát sau khi hoàn thành đoạn đường đi qua biên giới. Ảnh:BBC |
Cảnh tượng những người trưởng thành ngồi lái chiếc xe đạp trẻ em quá nhỏ bé so với họ cũng khá khôi hài. Tuy nhiên, đây là lựa chọn tốt nhất để giúp họ tiết kiệm chi phí vì dù sao những chiếc xe cũng chỉ dùng có một lần. Bên cạnh đó, bất chấp quy tắc “không đi bộ” có vô lý hay lạ lùng thế nào đi chăng nữa, những người di cư chỉ quan tâm đến việc làm sao đi qua được biên giới một cách trót lọt.
Hầu hết người di cư đều mua xe đạp trẻ em để tiết kiệm chi phí. Ảnh: BBC |
Khi mà ngày một nhiều nước châu Âu khép cửa biên giới để ngăn chặn dòng người nhập cư ồ ạt, tuyến đường vào châu Âu qua Nga đang nổi lên như một lựa chọn an toàn hơn so với việc đi qua biển Địa Trung Hải hay chui trong những chiếc xe tải bị nhồi nhét hết cỡ qua khu vực Đông Âu.
Na Uy không thuộc EU nhưng thuộc khu vực miễn visa. Giới chức Na Uy cho biết số lượng người tị nạn vào châu Âu thành công bằng đường này đang tăng nhanh từng ngày, bởi những người đi trước chỉ dẫn cho người sau.
Cảnh sát cho biết, từ tháng 8 tới nay có hơn 1.500 người nhập cư vào Na Uy từ Nga. Trung bình mỗi ngày có từ 50-60 người đạp xe qua biên giới. Từ tháng 9, con số này đã tăng lên. Chính quyền địa phương cho rằng con số người di cư qua đây sẽ còn cao hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.