Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di chúc miệng có hiệu lực không?

03/05/2011 06:53

(HNM) - Vợ chồng tôi có ba người con. Mới đây, chồng tôi lâm bệnh nặng và trước khi mất, với sự chứng kiến của nhiều người, đã di chúc miệng để lại toàn bộ tài sản của mình cho con út. Đề nghị luật sư cho biết, di chúc như vậy có được coi là hợp pháp hay không? Hai người con còn lại của chúng tôi có được hưởng thừa kế di sản của chồng tôi không?


Lê Thị Kiệu

Luật sư Vũ Thái Hà (Công ty Luật TNHH YouMe, website: www.youme vietnam.com) trả lời:

Theo quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự hiện hành (Bộ luật Dân sự năm 2005) thì di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực (khoản 5 Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005).

Trường hợp chồng của bà Lê Thị Kiệu, vào thời điểm di chúc miệng, tuy được nhiều người chứng kiến, nhưng không được những người này ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ và đưa đi công chứng, chứng thực theo đúng quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2005, nên di chúc này không hợp pháp về mặt hình thức của di chúc và vì thế không thể phân chia tài sản của chồng bà để lại theo di chúc miệng được. Vì không có di chúc hợp pháp, di sản của chồng bà sẽ được chia cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng bà theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự là "vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết". Và căn cứ theo khoản 2 của điều này, khối di sản của chồng bà sẽ được chia thành bốn phần bằng nhau cho bà và ba người con.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Di chúc miệng có hiệu lực không?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.