(HNM) - Làng Vạn Phúc (Hà Đông) nổi tiếng với nghề dệt lụa, ươm tơ, giờ đây còn là nơi quy tụ các sản phẩm cổ xưa - một nét duyên của Hà Nội. Với cái tên
"Mua" những ký ức đẹp
Vào các phiên chính là ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch hằng tháng, nhiều người mê đồ cổ đủ loại lứa tuổi, ở khắp nơi đổ về "Trung tâm Giao lưu sinh vật cảnh - đồ cổ - đồ xưa". Nhiều người đến chợ "săn" hàng bán lại, nhưng cũng có người chỉ đơn giản để tìm lại ký ức một thời qua những bấc đèn dầu, những chiếc radio cũ kỹ... Một tháng có 6 phiên chính, nhưng những ngày còn lại, chợ vẫn họp nhưng không nhiều người bán, kẻ mua.
Một góc chợ đồ cổ Vạn Phúc. |
Giống như một triển lãm nghệ thuật đồ cổ trải dài với gần 200 gian hàng, thứ gì cũng có, từ những chiếc bình hoa, đài cát sét, quạt cóc, tiền cổ, chiếc đĩa đến các loại đồ đồng được chế tác tinh xảo… Tiểu thương từ nhiều nơi đổ về như Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bình Định... Họ làm nhiều nghề, có chợ, có vốn, thành người đi buôn. Cũng vì thế, hàng của mỗi người mỗi kiểu. Theo các tiểu thương ở chợ, nguồn hàng được lấy từ các chợ đồ cổ khác ở Hà Nội, trên mạng, thậm chí từ những người bán đồng nát... Mỗi một gian hàng chỉ phải đóng phí khoảng 180 nghìn đồng/tháng, những người bán hàng vào ngày phiên phải đóng mức phí là 30 nghìn/ngày. Giá cả thì thuận mua, vừa bán. Một sản phẩm đồ cổ có khi lên đến tiền triệu, có khi chỉ vài trăm nghìn đồng.
Thỏa sức ngắm, thỏa sức xem, hàng dễ ngã giá, mua bán xuề xòa. Người buôn đòi giá một triệu nhưng khéo trả có khi chỉ mua với giá vài trăm nghìn đồng. Đến phiên chính chợ đồ cổ Vạn Phúc, chỉ dạo một vòng là có thể nêm nếm những cung bậc cảm xúc qua mỗi món hàng, thứ cảm xúc là lạ giữa một đô thị ồn ào, nhộn nhạo. Ông Nguyễn Văn Định (82 tuổi, Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) gần như phiên chợ nào cũng có mặt. "Tôi thấy ý tưởng thành lập chợ rất hay. Ngắm những món đồ cổ, tâm hồn được thư thái hơn. Những ngày tháng khó khăn của một thời qua chiếc mâm đồng, qua cái đèn dầu, cái ấm nước... như sống lại trong tôi. Đi chợ, gặp gỡ những người sống cùng thời, nhìn thấy mấy món đồ của một thời để nhớ, cả nhóm lại ôn chuyện quá khứ rồi thành bạn", ông Định cười, rung rung bộ râu màu trắng. Thỉnh thoảng, ông chọn mua cho vợ một chiếc lược hay một túi xách "chỉ ngày xưa mới có". "Chỉ vài chục nghìn thôi nhưng bà ấy thích mê. Vợ chồng lại kể lại chuyện ngày xưa. Trẻ ra mấy tuổi đấy nhé", ông Định nói.
Chị Nguyễn Thị Hoài (30 tuổi, Hà Đông) cũng là một khách hàng quen của chợ. Chị thường đến đây để tìm kiếm kỷ niệm tuổi thơ qua những con búp bê gỗ, những cái đèn bàn cũ kỹ, những cuốn sách cũ... "Mặc dù các tiểu thuyết Mỹ hay truyện thiếu nhi bây giờ được in lại đẹp hơn, giấy sáng hơn nhưng mình vẫn rất nhớ mùi mực tàu in trên những cuốn sách cũ kỹ ấy. Nó làm mình nhớ lại tuổi thơ nghèo khó, nhắc mình phải trân trọng và dành thời gian cho bố mẹ nhiều hơn", chị Hoài nói.
Không để mất nét riêng!
Hiện nay, chợ đồ cổ Vạn Phúc là nơi nuôi sống hàng trăm gia đình tiểu thương. Có những người phiêu dạt khắp nơi, đánh giày, bán báo... có chút vốn liếng về đây buôn bán. Anh Nguyễn Văn Tình (35 tuổi, Nam Định) trước làm nghề đánh giày, từ khi mở cửa quầy hàng bán đồ điện tử tại chợ không còn phải lang thang. Anh gặp và quen người vợ cũng ở chợ này. Trung bình mỗi chiều ngồi chợ, hai vợ chồng kiếm được khoảng 400 nghìn đồng. Ít có dư nhưng anh chị cũng có một cuộc sống ổn định, ấm cúng.
Sành về đồng hồ cổ và bật lửa Zippo (một loại bật lửa vỏ kim loại của Mỹ khá đắt tiền được dùng phổ biến từ Chiến tranh Thế giới thứ 2) anh Phan Anh Việt (38 tuổi, nhân viên kỹ thuật), cũng thường "lượn" chợ để buôn. "Ở đây có nhiều loại đồng hồ và bật lửa giá trị lắm. Nhưng người bán, người mua không rành, với họ cái nào cũng giống cái nào. Khách chỉ thấy cái nào còn mới, đẹp đẹp thì mua chứ không biết hãng gì, xuất xứ ở đâu... Vì thế tôi thường chọn hàng hãng, chuẩn cổ, mua lại của các tiểu thương rồi mang về rao bán trên mạng xã hội. Có cái đồng hồ cổ Thụy Sĩ mua chỉ 600 nghìn đồng nhưng đã có khách đặt giá 3 triệu đồng. Thỉnh thoảng mới được món "ngon" như thế, nhưng là nghề tay trái, lời thế cũng đủ tiền tiêu vặt", anh Việt cho biết.
Chợ đông, đắt khách nên ngày càng nhiều người đến buôn bán, hàng hóa cũng phong phú hơn. Tuy nhiên, các gian hàng mới nhập chợ lại chủ yếu bán đồ... cũ. Vào những ngày không chính phiên, đồ cũ áp đảo đồ cổ. Đồ điện tử, quần áo, giày dép, túi xách cũ... bày bán la liệt, sản phẩm được bán thiếu chọn lọc khiến chợ đồ cổ Vạn Phúc đang mất đi những nét riêng. Anh Hoàng, một người dân sống gần chợ này cho biết: "Hàng bây giờ phong phú hơn trước, từ khắp nơi ùa về. Người mua cứ mua, kẻ bán cứ bán. Nói thật là hàng có nguồn gốc bất minh cũng chẳng ai kiểm chứng được".
Nếu tình trạng trên kéo dài, nét duyên, nét riêng của chợ đồ cổ sẽ chẳng còn. Chữ "cổ" trong "Chợ đồ cổ Vạn Phúc" sẽ sớm bị thay thế bằng chữ "cũ". Một điều đáng nói nữa là mặc dù "Trung tâm Giao lưu sinh vật cảnh - đồ cổ - đồ xưa" được thành lập đã một năm nay nhưng nhiều gian hàng vẫn dựng rất tạm bợ. Một tấm bạt, rải hàng lên trên, các tiểu thương đã có thể bày bán. Ngày thường cũng như ngày phiên, chợ Vạn Phúc rất đông khách, nhưng khách hàng không gửi xe mà để khắp nơi trong chợ. Bà Nguyễn Thị Dân, một tiểu thương tại chợ than thở: "Cần phải quản lý thật chặt an ninh ở chợ, vì trước đây có một vài người khách đã bị một số đối tượng nghiện hút ăn cắp xe máy rồi đấy. Đợt ấy mọi người ở chợ ai cũng hoang mang, đi xem hàng mà cứ phải ngó trước ngoái sau".
Cả tiểu thương và khách hàng thân thiết của chợ đồ cổ Vạn Phúc đều mong mỏi Ban Quản lý chợ sẽ sớm có phương án quy hoạch chợ tốt hơn để "Trung tâm Giao lưu sinh vật cảnh - đồ cổ - đồ xưa" thật sự là không gian văn hóa cho những người tìm về đây thỏa mãn nhu cầu bán mua và tìm lại những ký ức đẹp của một thời dĩ vãng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.