(HNMCT) - Tại Giải điền kinh trẻ quốc gia 2020 kết thúc vào tuần trước, đội đi bộ đã đóng góp 1 Huy chương vàng để giúp đoàn Hà Nội giành ngôi nhất toàn đoàn. Đó là một ví dụ cụ thể cho thấy thành quả của hướng đi đã được Điền kinh Hà Nội lựa chọn từ nhiều năm qua, để nội dung đi bộ trở thành “đặc sản” mới.
Từ không đến có
Khoảng gần chục năm trước, đi bộ chưa là điểm nhấn của điền kinh Hà Nội dù nội dung này luôn có mặt trong chương trình thi đấu Olympic và gần đây, chị em vận động viên (VĐV) đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng đều đã góp mặt ở sân chơi này.
Trong bộ môn Điền kinh, đi bộ là nội dung đòi hỏi sự kiên nhẫn và sức chịu đựng của VĐV. Theo huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Văn Toản của đội đi bộ Hà Nội, nếu không đủ nghị lực và ý chí thì VĐV không thể theo được nội dung này. Vì thế, một số chuyên gia thể thao từng đánh giá, VĐV đi bộ có tố chất tốt chỉ có thể phát hiện tại vùng sâu, vùng xa hoặc ở những nơi có điều kiện khắc nghiệt về thời tiết, điều kiện sống, nơi con người sinh ra đã phải đối diện, thích nghi và tìm cách vượt qua sự khắc nghiệt đó.
Nhưng những nhà quản lý môn Điền kinh Hà Nội không nghĩ vậy. Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) Lại Phúc Lộc kể: Người tham gia tập luyện và thi đấu nội dung đi bộ phải có kỹ thuật tốt, đội ngũ VĐV muốn phát triển thì cần có sự đầu tư. Mà đó lại là điểm mạnh của thể thao Hà Nội.
Bởi vậy, từ vài năm trước, Điền kinh Hà Nội quyết định gây dựng nhóm VĐV đi bộ (lứa 1998 - 2003). Ngoài đội ngũ HLV nội, chuyên gia Trung Quốc cũng được mời về; VĐV được tạo điều kiện tập huấn ở cả trong nước và nước ngoài. Đó là lựa chọn đầy tính toán khi các chuyên gia Trung Quốc rất giỏi về huấn luyện kỹ thuật, giúp VĐV duy trì thành tích lâu dài. Tất nhiên, đó là việc khá tốn kém; ở Việt Nam, không có địa phương nào đầu tư vào khâu chuyên gia ngoại cho nội dung đi bộ như Hà Nội.
Chính cách làm “chịu chơi” đã mang đến thành quả cho tổ đi bộ của Điền kinh Hà Nội. Tại SEA Games 30 - năm 2019, VĐV Phạm Thị Thu Trang đã giành ngôi vô địch. Cô gái người Chương Mỹ này cũng là VĐV đi bộ đầu tiên của Hà Nội giành ngôi vô địch SEA Games. Gần đây nhất, VĐV mới 17 tuổi Phùng Kim Quang phá kỷ lục ở nội dung 5.000m nam và đang được xem là người kế thừa đàn anh Nguyễn Thành Ngưng tại đội tuyển quốc gia.
Không thể hời hợt
Như đánh giá của ông Dương Đức Thủy, phụ trách bộ môn Điền kinh (Tổng cục Thể dục thể thao), Hà Nội đang có lứa VĐV đi bộ đủ sức đánh chiếm ngôi vô địch quốc gia trong nhiều năm tới. Về lâu dài, nếu được đầu tư mạnh hơn, họ là chủ lực của đội tuyển quốc gia ở các sân chơi quốc tế cũng như cho mục tiêu giành vé dự Olympic.
Những người có trách nhiệm của thể thao và Điền kinh Hà Nội hiểu rõ trọng trách cũng như khó khăn. Dịch Covid-19 đã khiến quá trình huấn luyện của các VĐV, vốn đang ở độ tuổi tiếp thu và phát triển nhanh nhất, bị ảnh hưởng. Các VĐV chưa thể “thọ giáo” trực tiếp chuyên gia Trung Quốc. Việc không được thi đấu trong khoảng thời gian dài cũng khiến các VĐV bị ảnh hưởng về tâm lý thi đấu cũng như tập luyện. Còn các HLV thì “vò đầu bứt tai” tìm sân chơi giúp VĐV duy trì hưng phấn. Cho nên mới có chuyện nhà vô địch SEA Games 30 Phạm Thị Thu Trang phải tập luyện cùng một nhóm chạy phong trào tại quận Hà Đông. Theo đó, nhóm này cứ chạy còn Thu Trang lẽo đẽo “đi bộ”; tốc độ chạy của nhóm đủ tạo cho Thu Trang động lực luyện tập, qua đó duy trì phong độ.
Để đi bộ trở thành “đặc sản”, nhà quản lý bộ môn Điền kinh Hà Nội đã phải thực hiện nhiều giải pháp, chẳng hạn như quy định VĐV hạn chế tiếp xúc với giới truyền thông để tập trung tập luyện. Theo ông Lại Phúc Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội, từng là Trưởng bộ môn Điền kinh Hà Nội, đó là việc cần thiết để các VĐV giữ thăng bằng sau những thành công ban đầu. Hiện tại, nhóm đi bộ còn quá nhiều mục tiêu phía trước nên càng cần tập trung rèn luyện. “Cũng may là các VĐV đều hiểu việc này”, HLV Nguyễn Văn Hồng của đội đi bộ Hà Nội nói.
Một giải pháp khác cần được chú trọng, đó là phải đầu tư quyết liệt hơn để đi bộ thực sự là “đặc sản” của Điền kinh Hà Nội, tạo điểm nhấn cho thể thao Hà Nội. Tập huấn dài hạn ở nước ngoài, mời chuyên gia ngoại sang huấn luyện tại Hà Nội, tìm kiếm thêm nguồn tài trợ cho các VĐV trụ cột..., đó đều là những việc cần làm ngay. Bởi đơn giản, để tạo nên “đặc sản” thì phải kỳ công chứ không thể hời hợt!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.