Theo dõi Báo Hànộimới trên

ĐH Y Hà Nội: "Hậu" chuyện điểm chuẩn 27,5

Ngân Hạ| 23/08/2013 23:58

(HNMO)- 27,5 - mức điểm chuẩn mà ĐH Y Hà Nội đưa ra với ngành đào tạo BS Đa khoa năm nay không chỉ cứu hơn 100 SV giỏi mà còn giúp dư luận xã hội “hạ nhiệt”.

TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội

Xin chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách: Giải pháp tình thế “tháo ngòi nổ”

PV: Ông nghĩ sao khi Bộ GD-ĐT đã từ chối đề xuất xin chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách của trường để cứu hơn 100 thí sinh giỏi?

TS Nguyễn Đức Hinh (NĐH): Nhà trường thống kê lượng TS đạt từ 27 điểm trở lên là 718 em, từ 27,5 điểm trở lên là 568 em, từ 28 điểm trở lên là 407 em (đã tính điểm ưu tiên đối tượng, khu vực). Nếu dự kiến điểm trúng tuyển từ 27,5 điểm trở lên sẽ thừa khoảng 112 chỉ tiêu. Nhưng chỉ nâng thêm nửa điểm, trường sẽ thiếu khoảng hơn 40 chỉ tiêu.

Do đó, để cứu những TS đạt 9 điểm/môn vẫn không đỗ và tránh bức xúc dư luận xã hội, Trường đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế đề xuất cho trường thêm 150 chỉ tiêu đào tạo hệ ngoài ngân sách dành cho thí sinh từ 26 đến 27,5 điểm. Đề xuất nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp tình thế cho năm nay chứ không phải là thông lệ. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không chấp thuận và cho phép trường tự quyết định đưa ra mức điểm chuẩn. Chúng tôi hoàn toàn vui vẻ chấp nhận, tuân thủ đúng theo quy định Bộ đã đề ra từ năm 2011 khi “đóng cửa” hệ đào tạo ngoài ngân sách.

Và trên tinh thần đưa ra mức điểm chuẩn có lợi cho xã hội, trường đã quyết định ở con số 27,5. Mức điểm này thực sự đã “tháo ngòi nổ” dư luận xã hội vào thời điểm đó.

PV: Vậy vì sao chỉ tiêu của trường hầu như không được tăng trong những năm qua?

TS. NĐH: Không thể tăng vì liên quan đến chất lượng, liên quan đến cơ sở vật chất, con người và liên quan đến trách nhiệm của ngành y với xã hội. Khác với đào tạo nhiều ngành khác, chỉ cần 2-3 giảng đường là hàng trăm SV có thể ngồi để các thầy cô diễn thuyết, các SV tự nghiên cứu sách vở tài liệu, trong khi SV ngành y liên quan mật thiết đến bệnh viện, việc thực tập…thế nên chúng tôi không thể nào cứ mở ra đào tạo tràn lan. Mở một trường ĐH đã khó, mở trường y còn khó hơn rất nhiều. Trên thực tế, số BS ĐH Y đào tạo ra hiện nay không hề thiếu so với nhu cầu. So với 5 năm trước đây, số lượng này hiện đã khác đi rất nhiều.

Phụ huynh và những tân SV ĐH Y trong ngày làm thủ tục nhập học (22/8)


PV: Mùa tuyển sinh năm 2012, nhiều trường đào tạo ngành Y lấy điểm chuẩn thấp. Vậy có thể đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo của họ sao 4-5 năm nữa?

TS. NĐH: Về mặt quản lý nhà nước thì chỉ cần xây dựng một mức sàn chuẩn, là những yêu cầu tối thiểu các trường phải đạt. Còn trên mức đó không có hạn chế. Và mỗi trường sẽ vượt sàn ở những tầm khác nhau. Chuyện này liên quan đến thương hiệu và nhiều thứ khác của nhà trường. Chẳng hạn ĐH Y Hà Nội có muốn hạ điểm thấp hơn nữa nhưng không được. Hoặc các trường khác nâng điểm cao hơn thì sẽ không có SV vào học.

Trên thế giới cũng vậy, nhất là khi họ gắn luôn với chuyện học phí. SV vào trường danh tiếng, mức học phí khác. Quy luật kinh tế thị trường, trường càng giỏi, càng có danh tiếng, thu tiền càng cao và người học trường đó cầm tấm bằng cũng có nhiều cơ hội đi xin việc. Chúng tôi khẳng định, SV tốt nghiệp trường ĐH Y HN cầm bằng ra là không cần “bàn cãi” gì.

Nữ sinh quê Hà Nam trúng tuyển vào ngành BS Đa khoa với điểm thi 3 môn đạt 27,5


Sẽ quyết liệt với việc xét tuyển giải Quốc gia

PV: Vậy theo ông giải pháp gì để tránh các thí sinh điểm cao co cụm lại, vừa gây khó khăn trong việc ra điểm chuẩn và thiệt thòi cho chính họ?

TS. NĐH: Nhiều người quan niệm điểm 27,5-28 là con số “kinh khủng”, nhưng theo tôi, bản chất đây là cuộc thi xếp hạng. Trường lấy 500 thí sinh, nếu TS đạt đến 29 điểm mà là người thứ 501 thì cũng bị loại. Và cũng không có nghĩa TS năm nay thi đạt 27,5 điểm là học giỏi hơn thí sinh năm trước thi chỉ đạt 26 điểm. Chỉ có điều khi số điểm lên cao như vậy sẽ không có tốt cho quá trình phân loại.

Giải pháp là đề thi phải khó hơn. Đề thi khó kéo theo điểm sàn, điểm chuẩn sẽ xuống thấp hơn. Ví dụ nếu năm nay điểm sàn là 14-15 thì khi ra đề khó có thể điểm sàn xuống chỉ có 10. Điều đó không sao cả, miễn đạt được mục đích là “tẽ” TS ra, không để cụm lại ở phía trên. Quan trọng là mọi người cũng không nên quan niệm đi thi được 9-10 là giỏi mà 6-7 là không giỏi bởi cuộc thi ĐH hoàn toàn khác với thi tốt nghiệp PTTH. Chúng tôi chỉ nhằm mục đích lấy từ trên xuống dưới cho đủ nhu cầu.

Hướng dẫn các tân SV làm thủ tục nhập học. Lễ khai giảng sẽ diễn ra vào ngày 4-9 tới


PV: Một trong những nguyên nhân khiến điểm chuẩn vào trường năm 2013 tăng đột biến là do “miếng bánh” đã bị dành nhiều phần cho lượng HS đoạt giải Nhất, Nhì, Ba quốc gia (QG) được tuyển thẳng. Ông nghĩ sao khi dư luận “hiến kế” trường nên hạn chế, chỉ tuyển thẳng với các HS đoạt giải Nhất QG như thông lệ trước đây?

TS. NĐH: Theo quy định những năm trước, trường chỉ tuyển thẳng đối với những học sinh đoạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi QG, với số lượng trung bình khoảng 10 em. Tuy nhiên năm nay, theo quy định mới của Bộ, trường tuyển thẳng cả những học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba. Và có 81 em thuộc diện này, trong đó 79 em đăng ký học ngành BS Đa khoa.

Cùng đó, số lượng TS thuộc diện ưu tiên xét tuyển thẳng trúng tuyển vào trường là 15 em, đều chọn học ngành BS Đa khoa. Trong khi trường chỉ có 550 chỉ tiêu ngành BS Đa khoa. Như vậy, thực sự “miếng bánh” đã bị mất đi cả trăm “suất" Chỉ tiêu còn lại của ngành này chỉ còn trên 456 chỉ tiêu.

Do đó, trường mong muốn được trao thêm quyền tự chủ trong trong việc xét chọn theo hướng chỉ tuyển thẳng những em đạt giải Nhất. Các em giải Nhì, Ba có nguyện vọng vào trường có thể đều phải thi và điều kiện là chỉ cần điểm qua sàn. Chắc chắn, từ mùa tuyển sinh sang năm, trường sẽ quyết liệt trong vấn đề tuyển thẳng giải QG để tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
ĐH Y Hà Nội: "Hậu" chuyện điểm chuẩn 27,5

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.