Trường ĐH Hà Nội vừa có báo cáo với Bộ GD-ĐT về đội ngũ giảng viên và đề nghị được tiếp tục tuyển sinh sáu ngành vừa bị Bộ GD-ĐT yêu cầu dừng tuyển.
Sáu ngành gồm: Ngôn ngữ Italia, Ngôn ngữ Bồ Đào Nha, Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Ngôn ngữ Đức, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam (cho người nước ngoài) và ngành kế toán (dạy bằng tiếng Anh).
Trường ĐH Hà Tĩnh bị dừng tuyển sinh 14 trong tổng số 16 ngành đào tạo bậc ĐH - Ảnh: Văn ĐIịnh |
Đã bổ sung đội ngũ
Theo báo cáo của Trường ĐH Hà Nội, đối với các ngành Ngôn ngữ Đức, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam (cho người nước ngoài) và ngành kế toán, đội ngũ giảng viên hiện tại đã được bổ sung đầy đủ, đáp ứng tiêu chuẩn của quy định mở ngành Bộ GD-ĐT đề ra. Theo đó, so với báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo tại thời điểm tháng 3-2013 (theo số liệu thống kê cuối tháng 12-2012), số lượng tiến sĩ hiện nay đã thay đổi, đã được bổ sung.
Báo cáo nêu rõ ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam đã có 1 tiến sĩ và 1 nghiên cứu sinh sắp bảo vệ; ngành Ngôn ngữ Đức đã có 1 tiến sĩ và 1 nghiên cứu sinh sắp bảo và ngành kế toán đã có 1 tiến sĩ và 1 nghiên cứu sinh sắp bảo vệ.
Cần tạo cơ chế riêng cho các ngành “đặc thù nhất”
Riêng với ngành Ngôn ngữ Italia, Ngôn ngữ Bồ Đào Nha, Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Trường ĐH Hà Nội cho rằng các ngành này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh và tổ chức đào tạo tại trường trên 10 năm. Theo đó, nếu coi các ngành ngoại ngữ thuộc nhóm ngành đặc thù thì các ngành Ngôn ngữ Italia, Ngôn ngữ Bồ Đào Nha, Ngôn ngữ Tây Ban Nha là “đặc thù nhất và chưa từng được đào tạo” tại Việt Nam.
Trường ĐH Hà Nội cũng khẳng định ngoại ngữ là một ngành năng khiếu và đặc thù, vì vậy đào tạo trình độ học vị tiến sĩ là rất hiếm. Ngay chính trong khối EU, việc đào tạo và cấp bằng cử nhân biên-phiên dịch (theo hiệp ước của khối EU) chỉ dành riêng cho công dân EU. Số lượng thạc sĩ hiện có của các ngành ngoại ngữ này (Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha) là kết quả của các thỏa thuận song phương giữa trường Đại học Hà Nội với các trường đại học đối tác trong 10 năm qua. Cho đến thời điểm này, phần lớn giáo viên của các ngành trên có trình độ thạc sĩ và hoàn toàn đủ năng lực để đào tạo cử nhân theo định hướng biên-phiên dịch.
Trường Đại học Hà Nội cho rằng trong quá trình hơn 10 năm tổ chức đào tạo, sinh viên tốt nghiệp các ngành này đang làm việc tại các cơ quan ngoại giao, các ngành, các tập đoàn kinh tế, các dự án đầu tư nước ngoài đã thể hiện được năng lực chuyên môn, được đánh giá cao về hiệu quả công tác. Trong những năm gần đây, số lượng học sinh phổ thông đăng ký dự thi vào các ngành này tại trường Đại học Hà Nội tăng lên rõ rệt.
Từ những giải trình cụ thể này, Trường Đại học Hà Nội đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép các ngành này được tiếp tục tuyển sinh năm 2014 và cam kết sẽ tiếp tục bổ sung, xây dựng đội ngũ giáo viên cơ hữu theo quy định tại Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.