Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dẹp "sạn" sách tham khảo

Thống Nhất| 21/09/2020 06:19

(HNM) - Câu chuyện phụ huynh học sinh phải mua bộ sách lớp 1 tới hơn 20 đầu sách đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về việc quản lý, sử dụng các sách tham khảo trong nhà trường, song vẫn còn tình trạng học sinh phải “cõng” quá nhiều sách. Chấn chỉnh hiện tượng nhập nhèm giữa sách giáo khoa và sách tham khảo, tăng cường giám sát để dẹp "sạn" sách tham khảo, không để các bậc phụ huynh bức xúc là quyết tâm của ngành Giáo dục trong năm học 2020-2021.

Phụ huynh cần trao đổi kỹ với giáo viên trước khi chọn mua các loại sách tham khảo để tránh lãng phí. Ảnh: Quang Thái

Nhập nhèm giữa các loại sách

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên học sinh lớp 1 trên cả nước học chương trình, sách giáo khoa mới theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21-11-2017 của Quốc hội về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục lớp 1 mới gồm 8 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các trường lựa chọn sử dụng.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, bộ sách giáo khoa lớp 1 gồm 9 hoặc 10 cuốn (tùy theo bộ sách) và có mức giá dao động từ 179.000 đồng đến 199.000 đồng. Danh mục các môn học và giá thành từng cuốn sách giáo khoa đã được công bố rộng rãi và sách tham khảo không có trong danh mục này, nhưng vẫn có hiện tượng phụ huynh học sinh phản ánh phải mua quá nhiều sách. Đầu năm học, một trường tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo danh mục sách, dụng cụ học tập lên tới 25 hạng mục, trong đó có 23 cuốn sách với tổng số tiền hơn 800.000 đồng. Mặc dù cơ quan quản lý địa phương đã kịp thời chấn chỉnh, song tình trạng nhập nhèm giữa các loại sách giáo khoa, sách tham khảo vẫn không phải là chuyện hiếm.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài, nếu nhà trường cung cấp hoặc yêu cầu phụ huynh học sinh mua nhiều hơn lượng sách quy định là sai. Các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ về việc sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc, còn tài liệu tham khảo, phụ huynh học sinh tự mua theo nhu cầu cá nhân. Nhà trường chỉ cung cấp thông tin để phụ huynh lựa chọn.

Bà Trần Thị Lan, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai) cho rằng, không phải phụ huynh nào cũng nắm rõ những loại sách cần phải có. Việc đưa ra danh mục sách lên tới vài chục cuốn, có thể do thiếu sót của giáo viên, nhà trường, cũng có thể do chưa có thông tin kịp thời hướng dẫn. Chính vì vậy, trước khi mua bà Lan luôn hỏi kỹ giáo viên, tránh lãng phí.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm

Giáo viên Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) giới thiệu sách giáo khoa mới cho học sinh lớp 1 năm học 2020-2021.      Ảnh: Nguyễn Quang

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước, minh bạch thông tin và huy động sự giám sát trong việc sử dụng sách tham khảo tại nhà trường là giải pháp được các trường trên địa bàn Hà Nội tập trung triển khai, nhằm hạn chế những bức xúc từ phụ huynh học sinh. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ) Nguyễn Thúy Minh cho biết, năm học 2020-2021 trường có 1.700 học sinh. Nhà trường quy định rõ danh mục sách giáo khoa ở từng khối lớp, phụ huynh có thể mua tại trường hoặc bên ngoài trường. Nếu phụ huynh cần mua sách tham khảo, thì có thể nhờ sự tư vấn của nhân viên thư viện, giáo viên, nhà trường không tổ chức phát hành.

Tại quận Ba Đình, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Thị Ngọc cho biết, phòng đã quán triệt đầy đủ và hướng dẫn kịp thời các đơn vị trong việc triển khai các quy định liên quan đến sách tham khảo và tài liệu tham khảo, trong đó nhấn mạnh quy định trang bị sách tham khảo là do phụ huynh học sinh tự mua sắm theo nhu cầu và không bắt buộc.

Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín (Hà Nội) Nguyễn Thị Ngát cho biết, 29 trường tiểu học trên địa bàn huyện tập trung kinh phí đầu tư cho thư viện. Việc lựa chọn các tài liệu tham khảo dùng chung tại thư viện được tuân thủ theo Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7-7-2014 của  Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm mon, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về việc lưu hành, sử dụng trong nhà trường. Đây là giải pháp vừa giúp học sinh nâng cao chất lượng học tập, vừa tránh lãng phí và áp lực tài chính cho gia đình học sinh.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định, Sở chưa ghi nhận thông tin nào phản ánh về những vi phạm trong việc trang bị, sử dụng tài liệu tham khảo tại các trường học. Các đơn vị cần thực hiện nghiêm việc công khai các quy định liên quan với phụ huynh, trong đó nêu rõ tài liệu tham khảo là do học sinh tự trang bị theo tinh thần tự nguyện, các nhà trường không được tổ chức phát hành và ép học sinh phải mua sách tham khảo. Vì thế, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những vi phạm nếu có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dẹp "sạn" sách tham khảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.