(HNM) - Tại TP Hồ Chí Minh, chợ tự phát được xác định là một trong những nguồn phát sinh thực phẩm
Năm 2014, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 26/2014/CT-UBND về việc tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, trong đó nêu rõ, đến cuối năm 2015, kiên quyết giải tỏa chợ tự phát đang tồn tại trên địa bàn, đồng thời, phải lập tức giải tán các điểm họp chợ lấn chiếm lòng lề đường phát sinh mới.
Tuy nhiên, cho đến nay, tại nhiều khu vực, giải tỏa được chợ này thì lại mọc lên chợ khác. Toàn thành phố có hàng trăm chợ tự phát lớn nhỏ ở tất cả quận, huyện. Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố và UBND 24 quận, huyện, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh một lần nữa yêu cầu chậm nhất ngày 15-7, các quận, huyện phải trình kế hoạch giải tỏa chợ tự phát trên địa bàn. Mục tiêu của thành phố là đến giữa năm 2018 sẽ giải quyết hoàn toàn chợ tự phát.
Tuy vậy, giải tỏa chợ tự phát là nhiệm vụ gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh. Khảo sát cho thấy có đến 80% hộ kinh doanh ở đây là người từ các tỉnh, thành khác nhập cư vào thành phố. Do đó, công tác quản lý bằng biện pháp hành chính không khả thi. Những hộ kinh doanh này sẵn sàng chuyển địa điểm buôn bán sang chỗ khác sau khi bị giải tỏa, thậm chí họ có thể chuyển chỗ ở để duy trì phương thức mưu sinh này.
Tại quận Gò Vấp, một trong những quận có nhiều dân nhập cư sinh sống, thực trạng chợ tự phát rất phức tạp. Trên nhiều tuyến đường, chợ tự phát không những chiếm trọn vỉa hè mà còn lấn xuống lòng đường. Thậm chí ở một số địa điểm, chợ tự phát ngang nhiên tồn tại song hành cạnh chợ truyền thống. Còn tại quận Bình Tân, nơi tập trung khá nhiều khu công nghiệp và lượng công nhân đông đúc, tình trạng chợ tự phát diễn biến phức tạp không kém. Do giờ tan ca của nhiều khu công nghiệp trùng nhau nên chợ tự phát đã ảnh hưởng đến giao thông trên nhiều tuyến đường. Việc "dẹp" các chợ này cũng không khả thi do nhu cầu của công nhân mua thực phẩm tại đây rất lớn.
Thời gian qua, các quận, huyện đã nhiều lần ra quân giải tỏa chợ tự phát và ở một số nơi bước đầu đã có hiệu quả khi hỗ trợ bà con di dời đến các khu đất trống, hay giảm chi phí thuê sạp tại các chợ truyền thống. Ông Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận rằng, giải tỏa chợ tự phát không dễ vì nó gắn liền với đời sống mưu sinh của không ít hộ gia đình.
Tuy vậy, thành phố sẽ cương quyết giải tỏa hình thức kinh doanh này nhằm mục đích bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông cũng như lập lại trật tự, mỹ quan đô thị. Để công tác trên đạt hiệu quả, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Công Thương có kế hoạch bố trí thêm các cửa hàng lưu động bán hàng bình ổn, các cửa hàng tiện lợi vào khu dân cư, khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của bà con. Thành phố cũng nghiên cứu thành lập các khu chợ được "kiểm soát đặc biệt" để vừa đáp ứng nhu cầu mưu sinh của người dân lao động có thu nhập thấp, vừa bảo đảm sản phẩm cung cấp có nguồn gốc rõ ràng, ngăn ngừa thực phẩm bẩn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.