(HNM) - Theo các chuyên gia kinh tế, giai đoạn trước năm 2011, mô hình phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh nói chung và cơ cấu hàng xuất khẩu nói riêng chủ yếu theo chiều rộng. Vậy nên từ nay đến 2015, TP cần phải tập trung phát triển theo chiều sâu mới có thể cạnh tranh được trong thời kỳ hội nhập toàn diện.
Giai đoạn 2006-2010 và năm 2011, nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của TP Hồ Chí Minh là dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ và thủ công mỹ nghệ, nông - lâm - thủy hải sản. Theo các chuyên gia, với giai đoạn này, mô hình phát triển kinh tế của thành phố nói chung và cơ cấu hàng xuất khẩu nói riêng chủ yếu theo chiều rộng. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay thì cấu trúc kinh tế như vậy chưa phù hợp. Đáng lưu ý, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa xác định được thế mạnh đặc thù của mình, dẫn đến phát triển tràn lan, thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn như sự gia tăng dân số cơ học cao, cơ sở hạ tầng lạc hậu và đang xuống cấp nghiêm trọng, môi trường bị ô nhiễm nặng, tỷ lệ giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất sụt giảm qua các giai đoạn.
Công nghệ cao sẽ là lợi thế của thành phố trong 5 năm tới.
Để giải quyết thách thức trên trong bối cảnh hiện nay, theo chuyên gia kinh tế TS Vũ Thành Tự Anh, trước tiên phải trả lời các câu hỏi: Tại sao giá trị tăng mà năng lực cạnh tranh của thành phố giảm? Chi phí kinh doanh cao?… "Trả lời những câu hỏi đó để thấy được những rào cản ngăn chặn sự phát triển kinh tế và đưa ra những giải pháp cụ thể thúc đẩy kinh tế phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu!"- TS Vũ Thành Tự Anh nhận định.
Trước tình hình này, UBND TP Hồ Chí Minh vừa quyết định phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, xác định nhóm sản phẩm công nghiệp (chủ yếu là công nghệ cao) là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân của nhóm hàng này dự kiến tăng 13,1%/năm và chiếm tỷ trọng 54,4% tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015.
Tín hiệu rõ nhất cho sự lạc quan vào chuyển dịch cơ cấu, theo Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 9-2012, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao ước đạt 1,58 tỷ USD (tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2011). Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, công nghệ cao là nhóm sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng mạnh hơn nữa khi các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao đi vào hoạt động có hệ thống. Dự kiến đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này sẽ gấp 5,9 lần so với năm 2010 (năm 2010 đạt gần 500 triệu USD) và chiếm tỷ trọng 9,9%.
Hiện TP Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai 4 chương trình cụ thể: Chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong Khu công nghệ cao; chương trình nâng cao tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng ngành chế biến tinh lương thực - thực phẩm và xây dựng sản phẩm nông sản chế biến cao cấp; chương trình hỗ trợ tiếp cận thị trường xuất khẩu; chương trình hỗ trợ đào tạo công nhân, chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực thiết kế, tạo mẫu cho ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ nhằm nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu. Riêng đối với các sản phẩm phần mềm và nội dung thông tin số, thành phố khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp phần mềm để xuất khẩu và thay thế phần mềm nhập khẩu, phát triển các dịch vụ trực tuyến và đa truyền thông, nghiên cứu và phát triển. Tiếp tục quy hoạch, mở rộng quy mô để triển khai các dự án sản xuất điện tử - tin học phần mềm, dịch vụ giá trị gia tăng cao tại Khu công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu C30 (Tân Bình), Khu nam Sài Gòn (quận 7).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.