(HNMO) - Chiều 26-8, tại trụ sở Chính phủ, Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử tổ chức hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử chủ trì phiên họp. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử và lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương.
Tại đầu cầu Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn và lãnh đạo các sở, ngành tham dự.
Hội nghị là dịp nhìn lại các kết quả thực hiện lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua, đặc biệt là việc triển khai các nhiệm vụ mà các bộ, ngành, địa phương được giao tại hội nghị đầu năm 2020, từ đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến
Theo báo cáo tại hội nghị, công cuộc xây dựng chính phủ điện tử ở nước ta đang có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngày càng tăng. Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương và đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả bước đầu; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện.
Trong đó, từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng Dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị.
Từ tháng 3-2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, đến nay đã có 9.000 giao dịch. Riêng trong tháng 8-2020 có trên 3.000 giao dịch với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.
Hà Nội tích hợp 249 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Theo báo cáo kết quả triển khai xây dựng chính quyền điện tử của thành phố Hà Nội 8 tháng năm 2020, Hà Nội đã xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của thành phố kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ tại HĐND thành phố, UBND thành phố.
Đáng lưu ý, tính đến hết tháng 7-2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của thành phố đang cung cấp cho người dân và doanh nghiệp là 1.671. Hà Nội cũng đã hoàn thành tích hợp, kết nối 249/249 dịch vụ công trực tuyến của thành phố lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đặc biệt, trước diễn biến của dịch Covid-19, Hà Nội đã triển khai Cổng thông tin thành phố - Hà Nội Smart City giúp người dân nắm bắt kịp thời, chính xác thông tin về dịch bệnh. Song song đó, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trên địa bàn. Trong đó tập trung triển khai thanh toán đối với dịch vụ công trực tuyến, tiền điện, thanh toán trong lĩnh vực y tế, giáo dục...
Thành phố cũng mở rộng triển khai biên lai điện tử tại các cơ quan thu phí đối với dịch vụ hành chính công; hóa đơn điện tử, biên lai điện tử đối với các cơ sở kinh doanh. Tính đến ngày 19-8-2020, đã có 123.477 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử, đạt tỷ lệ 87,6% số doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Lấy người dân làm trung tâm phục vụ
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và thành viên Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử, phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xây dựng chính phủ điện tử là vấn đề lớn, vấn đề mới, cấp bách để đưa đất nước phát triển. Thời gian qua, công việc này đạt được một số bước tiến, như xếp hạng chỉ số phát triển chính phủ điện tử chung của Việt Nam tăng 2 bậc (theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc công bố tháng 7-2020). Việc tiếp nhận, xử lý văn bản trên môi trường mạng của các bộ, ngành, địa phương ngày càng đi vào nền nếp. Khung pháp lý đồng bộ về xây dựng chính phủ điện tử từng bước hoàn thiện. Các bất cập, khó khăn trong cơ chế đầu tư, dịch vụ công nghệ thông tin dần được tháo gỡ.
Cho rằng khả năng đột phá trong xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam rất cao, song, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế để khắc phục.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành có lộ trình cụ thể để tiếp tục có chiến lược về xây dựng Chính phủ điện tử. Về nguyên tắc, phải bảo đảm liên thông, không trùng lắp dữ liệu. Các dự án triển khai phải đặt dưới sự bảo đảm về an ninh, an toàn mạng nhưng cũng phải chia sẻ thông tin, tránh lãng phí. Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương chủ trì đề xuất các nền tảng dùng chung của chính phủ điện tử trong tháng 10-2020. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì về quản trị dữ liệu, xây dựng đề án thành phần để thúc đẩy việc chuyển đổi số quốc gia, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tích hợp dịch vụ công. Mục tiêu đến hết năm 2020, hoàn thành cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đến năm 2021, hầu hết các thủ tục hành chính phải được cung cấp bằng dịch vụ trực tuyến và phải được đánh giá chất lượng theo hướng lấy người dùng là trung tâm phục vụ, lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu.
“Nếu người dân không dùng, doanh nghiệp, tổ chức không dùng thì sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.