(HNM) - Ngày 17-12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị doanh nghiệp ngành xây dựng năm 2011 và triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, ngành xây dựng vẫn còn nhiều tồn tại như hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật còn thiếu, mạng lưới giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển, tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra ở các đô thị lớn. Dự án phát triển các khu đô thị nhiều nơi manh mún, chậm tiến độ. Đặc biệt, giá cả nhà ở thiếu ổn định, cơ cấu mất cân đối; việc huy động nguồn lực triển khai chương trình, dự án phục vụ đối tượng chính sách, cán bộ, viên chức, người thu nhập thấp ở đô thị hạn chế; hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện để có thể hỗ trợ người dân tạo lập chỗ ở... Trong 5 năm 2011-2015, ngành xây dựng phải đạt mức tăng trưởng bình quân 12%-15%/năm, đóng góp 33%-35% GDP.
Theo "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích nhà ở bình quân năm 2015 sẽ đạt 22m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 26m2/người; đến năm 2015 xây dựng tối thiểu 10 triệu mét vuông nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho người thu nhập thấp đô thị; nâng tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án nhà ở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên 80%... Trong nhóm các giải pháp, sẽ tập trung hình thành các cơ chế huy động vốn trung, dài hạn, xây dựng hệ thống cho vay thế chấp nhanh, gọn, hiệu quả, dễ tiếp cận; sửa đổi chính sách thuế, một mặt ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội, mặt khác ngăn chặn nạn đầu cơ. Đặc biệt sẽ cải cách chế độ tiền lương để người làm công hưởng lương có thể tạo lập nhà ở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.