Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đến lúc xóa cầu dùng chung

Nguyễn Đức| 10/02/2011 06:47

(HNM) - Vụ tai nạn tàu hỏa đâm liên tiếp vào 6 ô tô trên cầu Ghềnh (Biên Hòa - Đồng Nai) xảy ra vào ngày 6-2 là một bi kịch hiếm gặp trong giao thông Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung. Nguyên nhân cụ thể đang được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ, nhưng có thể thấy, việc sử dụng chung cầu cho đường sắt, đường bộ trong điều kiện hiện tại đang bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có nguy cơ tai nạn giao thông…

Cầu Ghềnh được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, dùng chung cho cả đường sắt và đường bộ. Cầu chia thành 3 phần đường, cánh gà hai bên dành cho xe máy, thô sơ; phần giữa dành cho tàu hỏa và ô tô. Việc lưu thông ở hai bên cánh gà không có gì để nói bởi tách thành chiều đi, về riêng biệt. Riêng phần dùng chung, khi tàu hỏa qua cầu, ô tô phải dừng nhường đường. Ngay cả khi không có tàu, ô tô cũng chỉ được đi một chiều để không bị tắc bởi cầu rất hẹp. Thế nhưng, trước khi tai nạn xảy ra, ô tô từ cả hai đầu cầu cùng tiến vào gây ách tắc, cãi vã trên cầu. Khi cầu chưa thông, đoàn tàu rầm rập lao tới và tai nạn thảm khốc xảy ra. 6 ô tô bị đâm hư hỏng nặng, có 2 người chết, 26 người bị thương...

Theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn giao thông (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), hiện cả nước vẫn còn 10 cây cầu dùng chung cho đường sắt và đường bộ như cầu Ghềnh. Trong đó, tỉnh Đồng Nai còn 2 chiếc, Lào Cai 2 chiếc, 6 chiếc còn lại nằm ở các tỉnh: Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng. Đây đều là những cây cầu đã được xây dựng từ rất lâu, có chiếc tuổi thọ hơn 100 năm. Vào thời điểm xây dựng, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu chạy, lượng xe cộ qua lại cũng thấp nên việc sử dụng chung là phù hợp. Tuy nhiên, với sự phát triển KT-XH mạnh mẽ thời gian qua, không chỉ phương tiện cơ giới qua cầu tăng mạnh, mà tần suất các chuyến tàu cũng tăng. Điều đáng nói là trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng và tổ chức giao thông tại những cây cầu trên đều được "khoán trắng" cho ngành đường sắt. Dù đã cử lực lượng ứng trực 24/24h theo quy trình nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn, nhưng nhân viên ngành đường sắt vẫn gặp nhiều khó khăn do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế. Ngành đường sắt đã nhiều lần có ý kiến về việc tách dùng chung đường giữa tàu hỏa và ô tô, xe máy và một số cầu đã được dành riêng cho tàu hỏa, nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Tại một số nơi, dù đã có cầu đường bộ riêng, nhưng chính quyền và người dân địa phương vẫn muốn sử dụng cả cầu đường sắt vì đi lại thuận lợi, gần hơn một vài kilômét so với đi qua cầu mới.

Vụ tai nạn tại cầu Ghềnh thực sự là hồi chuông cảnh báo với việc khai thác cầu chung giữa đường sắt và đường bộ. Sự thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cộng với ý thức chấp hành giao thông hạn chế những vụ tai nạn nói trên hoàn toàn có thể tái diễn do lưu lượng tham gia giao thông ngày càng lớn.

Để ngăn chặn tận gốc nguy cơ tai nạn, việc xây thêm cầu để tách riêng đường bộ, đường sắt là cần thiết và cần thực hiện quyết liệt để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Khởi công kiên cố hóa khẩn cấp tuyến đường sắt Thống Nhất


(HNM) - Ngày 9-2, tại Hà Tĩnh, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức lễ ra quân "Khởi công công trình kiên cố hóa kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn từ km 344+750 đến 354+950" tuyến đường sắt Thống Nhất theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ.
Đây là điểm bị mưa lũ tàn phá nặng nề nhất trên tuyến đường sắt Thống Nhất trong năm 2010. Công trình bắt đầu tại km 344+750 thuộc xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ kết thúc tại km 355+950 thuộc xã Đức Hương, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, đoạn đường nói trên sẽ được khôi phục lại toàn bộ nền, gia cố mái ta luy... Chủ đầu tư công trình là Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1. Công ty CP công trình đường sắt được chỉ định làm nhà thầu thi công và sẽ hoàn thành trong năm 2011.

Đức Thuật

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đến lúc xóa cầu dùng chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.