Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đến lúc xem lại việc xây nhà văn hóa thôn, xã

Thủy Tiên| 23/08/2015 06:56

(HNM) - Cả nước hiện có trên 50.000 nhà văn hóa thôn, xóm và gần 5.000 nhà văn hóa xã. Việc xây dựng hệ thống nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng sẽ còn được đẩy mạnh trong thời gian tới khi số xã trên địa bàn cả nước có nhà văn hóa mới chỉ chiếm chưa tới 50%.


Tuy nhiên, theo điều tra của Cục Văn hóa cơ sở, hơn một nửa số nhà văn hóa hiện hoạt động không hiệu quả. Nói cách khác, các nhà văn hóa này không có hoặc có rất ít hoạt động. Ví dụ, ở các tỉnh Tây Nguyên, khoảng 70% nhà văn hóa cộng đồng không thu hút được người dân đến sinh hoạt. Còn số nhà văn hóa hoạt động "có hiệu quả" thì… cho đặt vài bàn bóng bàn, thỉnh thoảng cho thuê đám cưới hay tổ chức vài việc nho nhỏ. Có ý kiến cho rằng các nhà văn hóa hoạt động không hiệu quả, thậm chí bị bỏ hoang vì kiến trúc của ngôi nhà chung không mang bản sắc văn hóa đặc thù của địa phương.

Chẳng hạn, các nhà văn hóa ở khu vực Tây Nguyên tuy cũng là nhà sàn nhưng cột lại bằng bê tông, tường thì bằng gạch còn mái thì lợp tôn... Lại có người chỉ ra nguyên nhân là nhiều nhà văn hóa ở xa trung tâm, không có điện, thiếu trang thiết bị cần thiết như loa, âm li, bàn ghế… nên không thu hút được người dân đến sinh hoạt. Ý kiến rất đáng lưu tâm là truyền hình ngày nay đã vào tận phòng ngủ của các gia đình với các chương trình văn hóa rất phong phú, đa dạng đã lấn át những hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng. Đồng thời, do phải bươn chải mưu sinh nên người dân không còn nhiều thời gian. Vì thế, ở các vùng quê, nhất là các vùng quê nghèo, người dân không dư dả thời gian để quan tâm đến những hoạt động văn hóa, ngoại trừ các hoạt động liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng.

Nhà văn hóa thiếu nội dung sinh hoạt, không thiết thực, không mang lại lợi ích cụ thể nên người ta ví "đìu hiu như nhà văn hóa thôn, xã". Đây là so sánh hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề lại nằm ở chỗ khác.

Chăm lo đời sống tinh thần cho người dân thông qua các hoạt động văn hóa, cụ thể là xây dựng hệ thống nhà văn hóa thôn, xã là việc cần làm. Điều đó góp phần vào việc duy trì bản sắc văn hóa của dân tộc, cũng như các tác động tích cực đối với tình hình văn hóa - xã hội tại mỗi địa phương. Tuy nhiên, thực tế nhà văn hóa thôn, xã đìu hiu cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi: Sinh hoạt tâm linh, hội hè, hát xướng diễn ra ở đình làng là truyền thống từ bao đời nay, vậy tại sao chúng ta lại không tiếp tục dùng đình làm nơi sinh hoạt văn hóa, làm "nhà cộng đồng" tại chính làng xã ấy mà phải xây nhà văn hóa? Việc tìm mặt bằng xây mới có thể dễ dàng với các vùng quê nhưng ở đô thị lớn thì điều kiện ngược lại.

Mặt khác, 100% các xã, phường trên cả nước trong quy hoạch khu hành chính đều xây một hội trường lớn với đủ trang thiết bị và thời gian để trống nhiều hơn thời gian hội họp thì cớ sao không tận dụng để các hoạt động văn hóa diễn ra ở đây? Nếu tận dụng được thì vừa không làm lãng phí công năng của một hội trường lại vừa tiết kiệm tiền đầu tư của Nhà nước… Có thể xem đây vừa là câu hỏi nhưng cũng là những gợi mở.
Dù thế nào đi nữa thì việc xây đồng loạt nhà văn hóa thôn, xã cũng đã đến lúc cần xem lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến lúc xem lại việc xây nhà văn hóa thôn, xã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.