(HNM) - Ngày 1-6, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản giao Sở VH-TT&DL thống nhất với các đơn vị có liên quan đề xuất về dự án đèn lồng Việt phục vụ lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của Công ty cổ phần Kỹ thuật mới. Có thể, vào những ngày tháng lịch sử sắp tới, Hà Nội sẽ cổ kính, lung linh và huyền ảo hơn khi những chiếc đèn lồng được thắp lên trên các con phố nhờ tấm lòng của những người dân phương Nam.
Trong Ngày thơ Việt Nam (rằm tháng Giêng) năm nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được trang hoàng bằng những chiếc đèn lồng thuần Việt của Công ty cổ phần Kỹ thuật mới đã đem lại niềm vui, pha chút tự hào cho những ai có mặt. Những chiếc đèn mang biểu tượng Khuê Văn Các, chùa Một Cột, những câu thơ viết kiểu thư pháp... đã làm cho nơi này thêm trang nghiêm mà lộng lẫy mỗi khi lên đèn. Đèn lồng Việt tuy đã có từ lâu nhưng những năm qua, vào những dịp lễ hội, người ta thường thấy treo đèn của Trung Quốc nên những chiếc đèn lồng thuần Việt này đã để lại dấu ấn khó phai.
Thành công trong ngày Tết Nguyên Tiêu đã khích lệ những người có khát vọng rằng đèn lồng Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ đủ sức mạnh đánh bật sản phẩm cùng loại của nước ngoài, tiếp tục triển khai những dự án mang ước nguyện nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc. Đề án "Đèn lồng Việt phục vụ lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" cũng nhằm mục tiêu đó. 5 mẫu đèn chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, 1000 năm Thăng Long, Rồng bay, họa tiết văn hóa Đông Sơn đã được thiết kế để phục vụ cho dự án này. Nếu được thành phố cho phép, 1.000 chiếc đèn biểu trưng cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ được treo ở các khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm. Ngoài ra, tại các điểm di tích lịch sử văn hóa khác, trên các tuyến phố chính vào Thủ đô và những vị trí tạo nên không khí lễ hội như trụ sở các doanh nghiệp, nhà dân có mặt tiền tại các tuyến phố lớn... cũng sẽ được treo đèn.
Từ khi có sự "vào cuộc" của Công ty cổ phần Kỹ thuật mới, việc sản xuất đèn lồng đã có thể thực hiện được với số lượng lớn, trong thời gian ngắn, đáp ứng kịp thời các sự kiện văn hóa chính trị, đòi hỏi tiến độ nhanh, lắp ráp, sử dụng thuận tiện, giá thành rẻ hơn, chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Tuy nhiên, để đèn lồng thuần Việt đến được với lễ hội nói riêng và đời sống người dân nói chung thì phải bằng con đường xã hội hóa. 2 mặt của đèn được dành cho các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ in logo, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm của doanh nghiệp, 2 mặt còn lại thì in biểu tượng của Hà Nội. Không chỉ quảng bá thương hiệu, tham gia tài trợ cho đèn lồng Việt, các doanh nghiệp đã góp phần cho Thủ đô đẹp hơn trong những ngày Đại lễ. Bởi thế, sự thành công của đề án có thể đong đếm được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.