Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Đến hẹn'' lại đối phó với thiếu điện

Triệu Hoa| 20/05/2023 06:14

(HNM) - Mùa nắng nóng chỉ mới bắt đầu nhưng nguy cơ thiếu điện đã cận kề. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các tổng công ty điện lực liên tục phát đi thông tin về công suất thiếu hụt ước tính. Theo khuyến cáo của ngành Điện lực cũng như các chuyên gia, giải pháp căn cơ ứng phó với nguy cơ thiếu điện trước mắt và cả lâu dài vẫn là chủ động tiết kiệm điện.

Công nhân Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội bảo dưỡng thiết bị tại Trạm biến áp 220kV Thành Công, bảo đảm cấp điện ổn định trong những ngày nắng nóng.

Thiếu nhiên liệu, sản xuất điện gặp khó

Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, lượng nước về các hồ thủy điện hiện thấp đến mức báo động. Đến ngày 11-5, có 11/47 hồ thủy điện lớn trên toàn quốc đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết và 16 hồ có mực nước thấp hơn mức tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa. Đặc biệt, tại khu vực miền Bắc, 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua. Riêng tháng 4 và đầu tháng 5, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50%, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng.

Không chỉ thiếu nước cho phát điện, việc cung ứng nhiên liệu cho các nhà máy điện than, điện khí cũng gặp khó khăn. Khả năng cung cấp của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc là 46 triệu tấn than, thấp hơn so với biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt hơn 6 triệu tấn. Riêng các nhà máy của EVN thiếu 1,3 triệu tấn. Việc mua than bổ sung cũng gặp khó khăn do hạn chế của thị trường và cơ sở hạ tầng tiếp nhận than.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng công ty Khí Việt Nam, khả năng cấp nhiên liệu khí trong năm 2023 tiếp tục xu hướng giảm so với các năm trước do một số mỏ chính bước vào giai đoạn suy giảm. Sản lượng khí dự kiến năm 2023 là 5,6 tỷ mét khối, thấp hơn so với năm 2022 khoảng 1,31 tỷ mét khối. Các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió các tháng 5, 6 và 7 cũng được dự báo có thể thấp hơn năm 2022.

EVN nhận định, trong trường hợp công suất điện tăng cao do nắng nóng kéo dài; sự cố tổ máy hoặc chậm tiến độ sửa chữa, đưa vào vận hành nguồn mới; mức nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu..., công suất thiếu hụt lớn nhất trong các tháng cao điểm nắng nóng 5, 6 và 7, ước tính lên tới khoảng 1.600-4.900MW.

Tiết kiệm điện vẫn là giải pháp căn cơ

Đối phó với thực trạng thiếu điện “đến hẹn lại lên” vào mùa nắng nóng, EVN đã tính toán chế độ vận hành tối ưu các nguồn thủy điện miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra miền Bắc, điều tiết, nâng và giữ mực nước bằng mực nước kế hoạch đến cuối tháng 5-2023 để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện. Cùng với đó, EVN tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy, khả dụng của các tổ máy phát điện, các đường dây, trạm biến áp truyền tải. EVN sẽ dịch chuyển giờ cao điểm các nguồn thủy điện nhỏ theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Việc hoàn tất đàm phán và thống nhất mức giá tạm thời đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp để kịp thời khai thác, cung cấp cho hệ thống điện hay đàm phán mua điện từ nước ngoài cũng đang được tập đoàn khẩn trương thực hiện. Tuy vậy, đại diện EVN cho rằng, bên cạnh các giải pháp về nguồn thì tiết kiệm điện vẫn là giải pháp quan trọng. Mới đây, tập đoàn đã có văn bản gửi Bộ Công Thương và các địa phương, đề nghị truyền thông, đẩy mạnh tiết kiệm điện, với những mục tiêu cụ thể như cơ quan hành chính sự nghiệp giảm 10% lượng điện tiêu thụ hằng tháng; bệnh viện, trường học giảm 5%; khách sạn, nhà hàng, tổ hợp dịch vụ, thương mại, chung cư giảm 50% điện chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời…

Còn theo Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), do nhu cầu điện tại Hà Nội ở mức cao, đơn vị đã triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải với các khách hàng sử dụng điện lớn để giảm lượng điện tiêu thụ vào thời gian cao điểm. Gần 500 khách hàng đã ký thỏa thuận tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại, với tổng công suất đăng ký tiết giảm là 88,24MW.

“Tiết kiệm điện là yêu cầu bắt buộc, phải thực hiện nghiêm túc, lâu dài. Đây là giải pháp hữu hiệu góp phần tăng hiệu quả chung của nền kinh tế và bảo đảm ổn định điện trong khi nguồn cung còn hạn chế so với nhu cầu tiêu dùng điện tăng trưởng hằng năm”, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, yêu cầu không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tổng công suất các nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hoàn toàn có thể đáp ứng tổng nhu cầu. Việc cung ứng điện có thể thiếu hụt cục bộ và ngắn hạn từ nay tới ngày 25-5 do nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao và đợt khô hạn khiến lượng nước tại các hồ thủy điện giảm... Thủ tướng chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty cung cấp than, dầu, khí phục vụ sản xuất nhiệt điện bảo đảm nguồn cung. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đàm phán theo giá tạm tính với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng và có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Đến hẹn'' lại đối phó với thiếu điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.